Các nguồn lực cứu nạn từ ASEAN và nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đang khẩn trương chuyển đến Myanmar trong thời điểm người dân rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để khắc phục hậu quả thảm họa động đất mạnh nhất trong một thế kỷ.
![]() |
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường một tòa nhà bị sập ở Mandalay (Myanmar), vào ngày 30-3. Ảnh: Reuters |
Ngày 28-3, trận động đất 7,7 độ richter, được cho là mạnh nhất trong nhiều thập kỷ đã tấn công khu vực miền trung Myanmar, khiến nhiều khu vực, đặc biệt là Mandalay, Naypyitaw (Myanmar), Bangkok, Chiang Mai (Thái Lan) và các vùng lân cận, chịu thiệt hại nghiêm trọng. Trên mạng xã hội, các bức ảnh đã cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của thảm họa thiên tai này.
Theo The Guardian, tính đến chiều 30-3, ít nhất 1.700 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và 139 người vẫn mất tích. Con số thương vong dự báo còn tăng cao do hệ thống liên lạc tại nhiều địa phương hoàn toàn bị tê liệt vì cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng và nhà cửa bị sập hoặc hư hại nặng, khiến hàng nghìn người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Sky News dẫn lời bà Deepmala Mahla, Giám đốc Nhân đạo tại tổ chức CARE Myanmar, cho biết Myanmar đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô khổng lồ. Khoảng 1/3 dân số cả nước cần được hỗ trợ nhân đạo. Lực lượng cứu hộ và các tình nguyện viên Myanmar đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót trong bối cảnh thiếu trang thiết bị và nhân lực. Do đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong thời khắc khó khăn này là nhu cầu cấp thiết đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Theo TTXVN, ngày 30-3, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp khẩn theo hình thức trực tuyến để bàn công tác khắc phục hậu quả trận động đất tại Myanmar và Thái Lan. Theo đó, các nước nhất trí phát huy hiệu quả các cơ chế ứng phó khẩn cấp trong ASEAN, cũng như huy động thêm nguồn lực và viện trợ từ cộng đồng quốc tế.
Theo tuyên bố chung của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, các nước sẽ phối hợp triển khai đội đánh giá và ứng phó khẩn cấp nhằm xác định những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cung cấp hỗ trợ kịp thời; đồng thời cam kết sử dụng Hệ thống hậu cần khẩn cấp thảm họa để bảo đảm phân phối viện trợ nhanh chóng và hiệu quả. Nhiều nước ASEAN kêu gọi các bên ở Myanmar tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ, qua đó tạo cơ sở tiến tới đối thoại và hòa giải để tập trung cho công cuộc phục hồi và tái thiết đất nước. Ngày 30-3, Thái Lan cử đội tìm kiếm và cứu hộ cùng với nhân viên y tế và vật tư sang nước láng giềng Myanmar, đồng thời đang xem xét các yêu cầu hỗ trợ từ phía Myanmar để xác định những hành động tiếp theo.
Không chỉ ASEAN, các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và các quốc gia khác cũng đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia công tác cứu trợ nhân đạo, đóng góp vào các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiệt hại và hỗ trợ các nạn nhân khôi phục cuộc sống sau thảm họa. Theo Channel News Asia, đội cứu hộ đầu tiên từ Trung Quốc gồm khoảng 40 chuyên gia đã có mặt tại Myanmar để tham gia công tác cứu nạn và cứu hộ.
Các đội cứu hộ khác cũng đang trên đường đến để hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn và cứu trợ tại những khu vực bị thiệt hại nặng nhất. Bên cạnh đó, Trung Quốc quyết định viện trợ khẩn cấp 100 triệu Nhân dân tệ (tương đương 13,9 triệu USD) cho Myanmar. Quân đội Ấn Độ đang triển khai lực lượng đặc nhiệm y tế, cùng với các thiết bị và vật tư y tế thiết yếu, đến Myanmar và sẽ lập trung tâm điều trị cho người bị nạn. Chính phủ Anh cam kết viện trợ nhân đạo 10 triệu bảng Anh (khoảng 12,9 triệu USD) cho Myanmar.
Theo các cơ quan khẩn cấp, tình trạng của những nạn nhân bị thương, mắc kẹt có thể xấu đi nhanh chóng sau 72 giờ kể từ khi động đất xảy ra, dẫn đến tỷ lệ sống sót giảm. Do đó, khoảng thời gian ngắn ngủi này được xem là “khung thời gian vàng” của nỗ lực cứu hộ. Đến nay, thông tin về những trường hợp sống sót kỳ diệu thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Theo Global Times, sáng 30-3 theo giờ địa phương, các nhân viên cứu hộ của Trung Quốc và Myanmar đưa một người đàn ông còn sống ra khỏi đống đổ nát tại một bệnh viện bị sập ở thủ đô Nay Pyi Taw sau gần 40 giờ bị vùi lấp. Đội cứu hộ tiếp tục sử dụng máy dò sự sống để phát hiện có dấu hiệu sinh tồn dưới đống đổ nát để tìm kiếm người còn sống.
Với tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, ngày 30-3, lực lượng Quân đội Việt Nam xuất quân tham gia cứu trợ tại Myanmar. Đoàn gồm 80 quân nhân, mang theo lương khô, hàng viện trợ và chó nghiệp vụ. Cùng ngày, Bộ Công an Việt Nam cử Đội cứu nạn, cứu hộ lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Myanmar. Đoàn gồm 26 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp, khẩn cấp và phiên dịch, bác sĩ. (TTXVN) |
THƯ LÊ