Nhiều nước châu Âu lo ngại hậu quả từ “Trumpcession”, thuật ngữ do các nhà kinh tế đặt ra để mô tả sự hỗn loạn do các chính sách thương mại và kinh tế “thất thường” của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump thúc đẩy chính sách thuế quan khắc nghiệt, trong đó áp 25% đối với mặt hàng nhóm và thép nhập khẩu. Ngay khi có hiệu lực, điều này tác động đáng kể tới thị trường châu Âu, đồng minh thân cận của Mỹ. Reuters cho biết, kể từ trung tuần tháng 3-2025, cố phiếu châu Âu giảm mạnh sau đợt bán tháo rộng rãi do lo ngại dâng cao về hậu quả chính sách thuế quan của ông Trump.
Giải mã chính sách thuế quan của ông Trump, Izvestia dẫn nhận định của ông Andrei Kortunov, Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), cho rằng, ông Trump vốn là người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa trọng thương kinh tế và thực sự tin rằng thuế quan và các biện pháp bảo hộ khác là hữu ích và thậm chí là không thể thiếu để giải quyết các vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt.
Mong muốn giảm thâm hụt thương mại và đạt thặng dư, giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu đều là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa trọng thương kể từ thời Thomas Mun (1571-1641) và ông Trump hoàn toàn ủng hộ những nguyên lý này.
Một trong những nỗi ám ảnh của ông Trump là thâm hụt thương mại của Mỹ với một số đối tác thương mại chủ chốt, gồm Trung Quốc, Canada và Liên minh châu Âu (EU). Số liệu của Ủy ban châu Âu cho thấy, EU có thặng dư thương mại hàng hóa 155,8 tỷ euro (159,6 tỷ USD) với Mỹ trong năm 2023, nhưng có thâm hụt thương mại dịch vụ 104 tỷ euro với Mỹ. Thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương giữa EU và Mỹ năm 2023 đạt 1,6 nghìn tỷ euro.
Châu Âu đặc biệt lo ngại chính sách thuế quan của ông Trump, tác động trực tiếp tăng trưởng kinh tế của các nước này. Chính sách áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và nhôm của Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ tới kinh tế châu Âu, bởi lẽ máy móc và xe là những nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của EU sang Mỹ, tiếp theo là hóa chất, hàng hóa chế tạo khác và các sản phẩm y dược. Ước tính, mức thuế của Mỹ ảnh hưởng đến khoảng 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của EU sang Mỹ. Bên cạnh đó, ôngTrump đe dọa áp thuế 200% đối với rượu vang và các sản phẩm rượu khác của EU.
Theo Global Times, Samina Sultan, nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Đức, cho rằng cuộc chiến thuế quan giữa các bên, mà khởi xướng là ông Trump sẽ gây tổn hại đến các khoản đầu tư và nên kinh tế của các nước. Chính sách thuế quan hiện tại của Mỹ chỉ là khởi đầu cho việc leo thang các rào cản thương mại. Cuộc chiến thương mại toàn cầu đang có xu hướng gia tăng căng thẳng, với nguy cơ, rủi ro rất cao.
Mặc dù chính sách thuế quan của Mỹ chỉ tác động đến 5% kim ngạch xuất khẩu của EU, nhưng sẽ khiến ngành công nghiệp thép và ô-tô châu Âu lao đao, vốn đang phải vật lộn với chi phí cao và nhu cầu yếu. Global Times dẫn nhận định của ông Gunnar Groebler, Chủ tịch Hiệp hội thép của Đức, cho biết thuế quan đối với thép của Mỹ sẽ tác động ở nhiều cấp độ khác nhau vào thời điểm đã đủ thách thức. Có tới 20% kim ngạch xuất khẩu thép của EU được chuyển đến Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các nhà sản xuất thép châu Âu.
Theo Oxford Economics, mức thuế quan 25% đối với ô-tô là vấn đề rất lớn đối với châu Âu. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu từ các nhà sản xuất ô-tô Đức và Ý sang Mỹ có thể giảm 7,1% và 6,6%. Ngành công nghiệp ô-tô của châu Âu rất dễ bị tổn thương trước mối đe dọa về thuế quan của Mỹ và những phản ứng của thị trường chứng khoán châu Âu thời gian gần đây là rất dễ hiểu. Thời gian tới, dự báo cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và châu Âu sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này sẽ tác động rất lớn tới tăng trưởng kinh tế các nước bởi người dân và doanh nghiệp có thể trì hoãn tiêu dùng và hoạt động đầu tư kinh doanh, làm giảm nhu cầu chung.
HÙNG LÂM