Thảm họa cháy rừng ở Hàn Quốc

.

Chính phủ Hàn Quốc nâng cảnh báo lên mức cao nhất và tuyên bố phản ứng toàn diện trên cả nước nhằm ngăn chặn một trong những vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở miền đông nam, gây thiệt hại chưa từng có về người và tài sản.

Theo Yonhap, các đám cháy rừng bùng phát ở huyện Sancheong (tỉnh Bắc Gyeongsang, đông nam Hàn Quốc) từ ngày 21-3, lan sang huyện Uiseong gần đó và đang tiếp tục đến các khu vực lân cận gồm Andong, Cheongsong, Yeongyang và Yeongdeok. Truyền thông quốc tế cập nhật thảm họa này với những hình ảnh hoang tàn, cho thấy quy mô quy mô và tốc độ lan rộng của các vụ cháy vượt ngoài sức tưởng tượng. Theo The Korea Times, tính đến chiều 26-3, ít nhất 24 người đã thiệt mạng, nhiều người khác bị thương và 27.000 người phải sơ tán trong vụ cháy rừng nghiêm trọng này. Hầu hết các nạn nhân đều hơn 60 tuổi, gặp khó khăn trong việc di chuyển và không thể thoát khỏi đám cháy.

“Các đám cháy rừng bùng phát ngày thứ năm liên tiếp đang gây thiệt hại chưa từng có. Diễn biến vụ cháy nằm ngoài dự báo cũng như các nhận định trước đó. Hướng gió liên tục thay đổi và thời tiết khắc nghiệt khiến những phương pháp chữa cháy thông thường không phát huy hết hiệu quả”, Yonhap dẫn lời quyền Tổng thống Han Duck-soo phát biểu tại cuộc họp khẩn ngày 26-3.

Ông yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp sơ tán dân cư và kiểm soát đám cháy. Đến nay, gần 9.000 lính cứu hỏa và hơn 130 máy bay trực thăng cùng hàng trăm phương tiện được huy động để khống chế đám cháy, nhưng thời tiết khô hanh, gió mạnh và khói mù dày đặc đang gây khó khăn lớn cho công tác chữa cháy và sơ tán. 

Các vụ cháy rừng đã phá hủy 17.000ha rừng, 209 ngôi nhà và nhà máy. Đáng chú ý, ngọn lửa thiêu rụi đền cổ Gounsa ở huyện Uiseong, được xây dựng từ năm 681 dưới thời Triều đại Silla, tức cách đây khoảng 1.300 năm. May thay, trước khi ngọn lửa tràn đến, các bảo vật quốc gia được lưu giữ tại chùa đã được di dời đến nơi an toàn.

Các đám cháy ở Uiseong cũng đang đe dọa các di sản thế giới được UNESCO công nhận tại thành phố Andong, gồm Làng dân gian Hahoe và Học viện Nho giáo Byeongsanseowon. Đám cháy rừng riêng biệt ở các khu vực Sancheong-gun và Hadong-gun đã lan sang công viên quốc gia Jirisan, một trong ba ngọn núi linh thiêng được nhiều người Hàn Quốc tôn kính, cùng với Geumgangsan và Hallasan. Giới chức cho biết, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy xuất phát từ hành động bất cẩn của một người đang chăm sóc mộ phần gia đình.

Ngoài Hàn Quốc, hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại nhiều quốc gia trong những ngày gần đây. Tại Nhật Bản, các vụ cháy rừng bùng phát từ ngày 23-3 đang diễn biến phức tạp ở miền tây Nhật Bản, khiến hàng nghìn người sơ tán. Theo NHK, gió mạnh khiến đám cháy rừng ở các tỉnh Ehime và Okayama vượt ngoài tầm kiểm soát; trong khi đó, một đám cháy rừng khác mới bùng phát ở tỉnh Miyazaki ngày 25-3.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba chỉ thị các cơ quan liên quan nỗ lực hết sức để khống chế đám cháy và bảo đảm sơ tán người dân an toàn. Tại Mỹ, theo CNN, vụ cháy rừng bùng phát gần đây tại hạt Polk, phía tây bắc bang North Carolina, buộc nhiều cư dân phải sơ tán khi lực lượng cứu hỏa khẩn trương kiểm soát ngọn lửa. Tại bang South Carolina, Thống đốc Henry McMaster ban bố tình trạng khẩn cấp để huy động nguồn lực ứng phó với đám cháy bùng phát tại dãy núi Blue Ridge thuộc hạt Pickens.

Theo The Guardian, ông Lee Byung-doo, chuyên gia về thảm họa rừng tại Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc, nhận định: “Biến đổi khí hậu dự kiến ​​sẽ khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn. Chúng ta phải thừa nhận rằng cháy rừng quy mô lớn sẽ gia tăng và cần chuẩn bị thêm nguồn lực và nhân lực”.

Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân khiến khả năng xảy ra cháy rừng cao hơn và diện tích bị cháy lớn hơn ở các khu vực Nam Âu, Bắc Á-Âu, Mỹ, Úc và miền nam Trung Quốc. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho biết, cùng với khí thải từ đất, các đám cháy rừng đang thúc đẩy sự gia tăng ô nhiễm ozone tầng mặt đất, gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe con người.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.