Trong bối cảnh liên minh xuyên Đại Tây Dương đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt, các nước châu Âu ngày càng quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
![]() |
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) gặp người đồng cấp Bồ Đào Nha Paulo Rangel tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 25-3. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trung Quốc gần đây chào đón nhiều quan chức châu Âu. Sau chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Thượng viện Ý Ignazio La Russa từ ngày 23 đến 27-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tổ chức cuộc đối thoại chiến lược với người đồng cấp Bồ Đào Nha Paulo Rangel tại Bắc Kinh ngày 25-3.
Theo truyền thông quốc tế, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic và Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot dự kiến sẽ sớm thăm Trung Quốc. Các chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - EU, cột mốc quan trọng đóng vai trò vừa là điểm tiếp nối vừa là điểm khởi đầu mới như lời nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong bài xã luận gần đây, Global Times cho rằng, EU nên bảo vệ lợi ích của mình và đưa ra lựa chọn hợp lý là cải thiện quan hệ với Trung Quốc trước bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu đang trải qua những thay đổi sâu sắc. Việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian gần đây khiến vai trò của châu Âu trong liên minh xuyên Đại Tây Dương trở nên mong manh hơn. Các nước châu Âu phải đánh giá lại cách bảo vệ lợi ích của chính mình, trong khi cân bằng mối quan hệ với cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
“Có một xu hướng ngày càng tăng ở châu Âu, nơi các quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hungary, vốn theo truyền thống thực dụng hơn đối với Trung Quốc, đang ngày càng khám phá mối quan hệ sâu sắc hơn với Bắc Kinh”, một chuyên gia quan hệ quốc tế nói với Global Times.
Đầu tháng 3-2025, một phát ngôn viên của Nghị viện châu Âu xác nhận cơ quan này đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các nhà lập pháp gặp gỡ một số quan chức Trung Quốc, điều này được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Trung Quốc - EU đang tan băng. Sự phát triển của mối quan hệ này có ý nghĩa chiến lược không thể thay thế đối với sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của “lục địa già”. Một số quan chức châu Âu nhấn mạnh, bất kỳ sự khác biệt nào giữa Trung Quốc và châu Âu vẫn có một mẫu số chung: cam kết về chung sống hòa bình.
Trong 5 thập kỷ qua, thương mại Trung Quốc - EU tăng từ 2,4 tỷ USD lên 780 tỷ USD, với gần 1,5 triệu USD trao đổi thương mại diễn ra mỗi phút. Tuyến đường sắt tốc hành Trung Quốc - châu Âu thực hiện hơn 100.000 chuyến vận chuyển hàng hóa và trở thành “tuyến đường vàng” kết nối châu Á và châu Âu. Hiện Trung Quốc cam kết phát triển chất lượng cao và mở cửa ở cấp độ cao, mở ra những cơ hội mới trong hợp tác với EU.
Trong khi đó, đối mặt với thực tế kinh tế suy thoái, áp lực lạm phát gia tăng và nhu cầu nâng cấp công nghiệp cấp bách, châu Âu ngày càng nhận thức việc thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc không chỉ có lợi cho cả hai bên mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhà bình luận chính trị quốc tế tại Bắc Kinh Jianlu Bi nói với TRT World rằng chiến lược hiện tại của EU nhấn mạnh vào “giảm rủi ro” thay vì tách khỏi Trung Quốc. Nói cách khác, đây không phải là việc rời xa Mỹ mà là chuẩn bị cho tương lai khi Washington có thể không còn nắm quyền quyết định đối với khối này.
Global Times khẳng định, Trung Quốc vẫn nhất quán duy trì chính sách và nhiều lần nhấn mạnh mong muốn tăng cường hợp tác với châu Âu, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy phát triển toàn cầu lành mạnh. Trong khi đó, “quyền tự chủ chiến lược” đã trở thành vấn đề trung tâm ở châu Âu và là tâm điểm chú ý của toàn cầu gần đây, với cốt lõi là xây dựng hệ thống an ninh châu Âu độc lập, mạnh mẽ, khả năng hành động độc lập hơn trong chính sách đối ngoại và kinh tế.
Trong bối cảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương ngày càng rạn nứt và cạnh tranh toàn cầu gia tăng, mối quan hệ song phương với Trung Quốc hợp lý hơn sẽ không chỉ góp phần ổn định kinh tế châu Âu mà còn tăng cường sự độc lập của châu lục này trong các vấn đề toàn cầu.
Nhiều nước châu Âu không muốn bỏ thiết bị 5G Trung Quốc Theo Euractiv, dữ liệu do công ty tư vấn viễn thông Đan Mạch Strand Consult công bố cho thấy, 17 quốc gia thành viên EU không muốn từ bỏ các thành phần của Huawei và ZTE (Trung Quốc) khỏi “mạng lõi” 5G của họ. Global Times dẫn lời một chuyên gia viễn thông ở Bắc Kinh cho rằng, nhiều nước châu Âu không muốn loại bỏ thiết bị 5G của Trung Quốc khi nhận thấy việc từ bỏ công nghệ Trung Quốc để tự xây dựng 5G trong nước dẫn đến chi phí tăng vọt, kèm theo một số thách thức. Theo cơ quan công nghiệp viễn thông toàn cầu GSMA, đến cuối năm 2024, chỉ có khoảng 30% kết nối di động ở châu Âu là qua 5G, con số thấp hơn nhiều so với 60% của Bắc Mỹ và hơn 50% ở nhiều nước Đông Á. |
THƯ LÊ