Ấn Độ và cuộc cách mạng AI giá rẻ

.

Ấn Độ đang vươn lên với những đột phá công nghệ chi phí thấp, đủ sức thách thức sự thống trị của các tập đoàn phương Tây trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.

Tại phòng thí nghiệm ở Chennai, các kỹ sư Ấn Độ đang khiến giới công nghệ ngỡ ngàng: họ chạy những mô hình AI phức tạp chỉ bằng laptop thông thường, không cần GPU đắt đỏ, chỉ cần CPU Intel phổ thông. Theo Bloomberg, trong buổi trình diễn mới đây, nhóm nghiên cứu kích hoạt thành công các mô hình ngôn ngữ lớn như Llama 2 của Meta hay Qwen 2.5 của Alibaba trên chip Intel Xeon mua ngoài thị trường. Đằng sau thành tựu đó là triết lý táo bạo: “frugal innovation” (đổi mới tiết kiệm), hướng đi giúp Ấn Độ vẽ lại bản đồ quyền lực công nghệ toàn cầu.

Trong tiếng Hindi, “Jugaad” là cách gọi giải pháp khéo léo, sáng tạo được làm ra từ những gì sẵn có, một triết lý đổi mới đã ăn sâu vào văn hóa công nghệ Ấn Độ. Kompact AI, nền tảng do startup Ziroh Labs phối hợp với Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) Madras phát triển, chính là hiện thân rõ nét nhất của triết lý này về AI.

Trong khi các tập đoàn công nghệ phương Tây như Microsoft đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng hạ tầng GPU cho AI, nhóm kỹ sư Ấn Độ lại chọn hướng ngược: tối ưu hóa trên nền CPU phổ thông thay vì mở rộng quy mô phần cứng. Chia sẻ với The Hindu business Line, ông Hrishikesh Dewan, đồng sáng lập Ziroh Labs, cho biết, nền tảng Kompact AI mang lại hiệu suất tính toán cao hơn gấp ba lần so với các hệ thống hiện tại, mà vẫn giữ nguyên chất lượng mô hình.

Cách tiếp cận này không mới với Ấn Độ. Từ thập niên 1990, khi phần mềm phương Tây phát triển trong môi trường hiện đại, các kỹ sư Ấn Độ buộc phải viết mã trên máy tính cũ với mạng internet chập chờn. Chính hoàn cảnh đó hình thành khả năng tối ưu vượt trội, đặt nền móng cho ngành công nghiệp phần mềm hùng mạnh ngày nay của họ.

Ông William Raduchel, cựu Giám đốc chiến lược của Công ty Sun Microsystems và hiện là cố vấn công nghệ cho Ziroh Labs, nhận định với Bloomberg: “Công nghệ này sẽ tạo ra tác động thị trường rất sâu rộng trong những năm tới”.

Đối với các nhà phát triển AI ở Ấn Độ, GPU cao cấp, đặc biệt là chip của Nvidia vẫn là tài nguyên vừa đắt đỏ, vừa khan hiếm. Sự thiếu hụt này có nguy cơ kìm hãm tốc độ nghiên cứu và triển khai AI trong nước. Tuy nhiên, chính áp lực ấy lại trở thành động lực để thúc đẩy làn sóng đổi mới khác biệt, nơi trí tuệ bù đắp cho phần cứng. Kompact AI không chỉ là lựa chọn tiết kiệm thay thế cho các nền tảng AI hiện có. Nó đại diện cho triết lý công nghệ khác biệt, nơi tối ưu hóa được đặt lên trên việc mở rộng quy mô phần cứng. Trong khi phương Tây chạy đua xây dựng những mô hình AI đa năng, khổng lồ, các nhà nghiên cứu tại Ấn Độ lại chọn hướng đi chuyên biệt và thực tế hơn.

Ziroh Labs cho biết họ đã tối ưu thành công 17 mô hình AI bao gồm DeepSeek, Qwen và Llama để hoạt động hiệu quả trên CPU phổ thông. Nền tảng này tập trung giải quyết các bài toán inference (suy luận) và fine-tuning (tinh chỉnh) cho các mô hình có dưới 50 tỷ tham số. Đáng chú ý, sự hợp tác giữa Ziroh Labs và IIT Madras còn dẫn đến việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu AI (CoAIR), nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận điện toán ở Ấn Độ.

Nhưng tầm nhìn của Kompact AI không dừng ở cải tiến kỹ thuật. CoAIR sẽ xây dựng các mô hình AI thiết thực, có thể triển khai quy mô lớn để phục vụ người dân ở những vùng nông thôn, nơi vốn bị bỏ lại trong làn sóng số hóa. Đây là quá trình đưa công nghệ ra khỏi phòng thí nghiệm và đến tay những người cần nó nhất.

Một lợi thế khác biệt của Kompact AI là khả năng chạy ngoại tuyến, không phụ thuộc vào internet, một tính năng sống còn tại các khu vực có kết nối mạng yếu hoặc không ổn định. Với hướng tiếp cận tập trung vào hiệu quả và tính ứng dụng xã hội, Kompact AI đang mở ra chương mới cho ngành công nghiệp AI, nơi các giải pháp thông minh, tiết kiệm tài nguyên từ Ấn Độ có thể cạnh tranh sòng phẳng với những hệ thống hạ tầng đồ sộ của phương Tây. Kompact AI là nhân tố thay đổi cuộc chơi.

“Bằng cách làm cho AI có thể vận hành trên CPU, chúng tôi đang mở khóa tiềm năng công nghệ mà không cần đến chi phí hạ tầng nặng nề từ GPU”, TS. Madhusudhanan từ Quỹ Công nghệ IITM Pravartak nhận định với PTI.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.