Động đất ở Myanmar: Chạy đua giải cứu, viện trợ

.

Ngày thứ 3 kể từ sau trận động đất gây thiệt hại nặng nề ở Myanmar, lực lượng cứu hộ quốc tế tập trung tìm kiếm những nạn nhân có dấu hiệu sinh tồn. Thông tin về những trường hợp người bị mắc kẹt được giải cứu vẫn còn sống chính là điều kỳ diệu, tiếp thêm động lực để những đội cứu hộ tiếp tục sứ mệnh cứu người sau thảm họa kinh hoàng này.

Lực lượng cứu hộ tiến hành tìm kiếm và cứu nạn tại tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Mandalay (Myanmar) vào ngày 30-3. Ảnh: Myo Kyaw Soe/Xinhua
Lực lượng cứu hộ tiến hành tìm kiếm và cứu nạn tại tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Mandalay (Myanmar) vào ngày 30-3. Ảnh: Myo Kyaw Soe/Xinhua

Những người sống sót kỳ diệu

Ngày 31-3, ít nhất 4 nạn nhân còn sống đã được giải cứu khỏi những đống đổ nát ở thành phố Mandalay và Naypyidaw, nhờ nỗ lực không ngừng của tất cả các lực lượng địa phương và quốc tế. Đây như một tia hy vọng le lói giữa lúc thời gian vàng 72 giờ sắp hết. Theo The Guardian, các nhóm cứu nạn của Trung Quốc, Nga và Myanmar, giải cứu thành công một phụ nữ bị mắc kẹt gần 60 giờ dưới đống đổ nát tại khách sạn ở Mandalay. Đây là nạn nhân đầu tiên được cứu sau khi mắc kẹt hơn 60 giờ.

Hy vọng tiếp tục tăng lên khi đội cứu hộ Trung Quốc giải cứu được một cháu bé bị chôn vùi trong đống đổ nát hơn 60 giờ tại điểm cứu hộ Sky Apartment ở Mandalay. Các dấu hiệu sinh tồn của cháu bé đều tốt khi được giải cứu. “Điều quan trọng nhất hiện nay là mang lại hy vọng cho người dân địa phương, dù chúng tôi phải làm việc bao lâu đi chăng nữa”, Yue Xin, trưởng đoàn tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc tại Myanmar, chia sẻ với CNN. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, hiện tại, nhiều người mắc kẹt đã được tìm thấy tại đây và đội cứu hộ vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động cứu hộ tại hiện trường.

Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, thông tin liên lạc bị phân mảnh, dư chấn liên tiếp, cũng như nguy cơ xảy ra những trận động đất khác trong khu vực là những thách thức đang cản trở nỗ lực tìm kiếm cứu nạn sau động đất ở Myanamar. Trong bối cảnh lực lượng cứu hộ trong nước vốn bị hạn chế cả về thiết bị lẫn kinh nghiệm, sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai nghiêm trọng này.

Lời kêu gọi viện trợ khẩn cấp

Myanmar đang đối mặt với các “cuộc khủng hoảng thứ cấp” sau trận động đất lịch sử này. Theo AFP,  nhiều khu vực dân cư hiện bị cô lập, thiếu nước sạch, thực phẩm và thuốc men. Hàng vạn người dân buộc phải sống ngoài trời, khi thời tiết nắng nóng oi bức với nhiệt độ lên tới 400C. Số lượng lớn nạn nhân và người bị chấn thương có nguy cơ nhiễm trùng cao do năng lực phẫu thuật hạn chế, trong khi điều kiện cơ bản ở Myanmar có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như tả và sốt xuất huyết.

Ngày 31-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại cuộc khủng hoảng này là tình trạng khẩn cấp cấp độ 3, mức cao nhất theo Khung Ứng phó khẩn cấp của tổ chức này. Do đó, WHO ban hành lời kêu gọi khẩn cấp 8 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Myanmar để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong 30 ngày tới.

Đội cứu hộ và hàng viện trợ các nước hiện nay vẫn tiếp tục chuyển đến Myanmar. Việt Nam cung cấp đồ cứu trợ và viện trợ 300.000 USD nhằm giúp Myanmar và Campuchia tuyên bố sẽ viện trợ khẩn cấp ban đầu trị giá 100.000 USD cho Myanmar. Sáng 31-3, lô hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp đầu tiên của Trung Quốc cho Myanmar đã bắt đầu được vận chuyển từ sân bay quốc tế Bắc Kinh.

Theo Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Trung Quốc, các nguồn cung cấp ban đầu bao gồm lều, chăn và bộ sơ cứu. Cùng ngày, quân đội Indonesia triển khai tàu bệnh viện, máy bay Hercules và  trực thăng để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp tại Myanmar. Lực lượng này bao gồm một đội tìm kiếm và cứu nạn, đội y tế và viện trợ logistics. Liên Hợp Quốc (LHQ) đang khẩn cấp đưa hàng cứu trợ tới Myanmar.

“Thời gian là yếu tố quan trọng nhất, bởi Myanmar cần sự đoàn kết và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong ứng phó thảm họa tàn khốc này”, Noriko Takagi, đại diện LHQ tại Myanmar, nói với Reuters. Nhiều chuyên gia ước tính nước này sẽ cần từ 3 đến 5 năm để có thể phục hồi hoàn toàn, nếu có được sự hỗ trợ quốc tế rộng rãi và hiệu quả.

Theo Hội đồng Quản lý nhà nước Myanmar, tính đến ngày 31-3, vẫn còn hàng trăm người đang mất tích trong trận động đất vốn đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Con số thương vong tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ địa phương vẫn đang đào bới dưới hàng nghìn tấn đổ nát.

Trong khi đó, theo mô hình dự báo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), số người thiệt mạng ở Myanmar thậm chí có thể vượt quá 10.000 người và thiệt hại về tài sản có thể vượt tổng sản phẩm kinh tế hằng năm. TASS đưa tin, Thủ tướng Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, tuyên bố quốc tang từ ngày 31-3 đến 6-4 để tưởng nhớ nạn nhân của trận động đất.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.