Ngày 14-4, Ủy viên châu Âu phụ trách Địa Trung Hải Dubravka Suica cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho chính quyền Palestine (PA) bằng gói hỗ trợ 3 năm trị giá 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD). Gói hỗ trợ này sẽ được dùng để khôi phục khu Bờ Tây và Dải Gaza, đồng thời thúc đẩy cải cách chính quyền Palestine.
AFP dẫn thông cáo của EU nêu rõ, 150 triệu Euro đầu tiên sẽ gồm các khoản tài chính để giúp chính quyền Palestine có thể trả lương cho các công chức ở Bờ Tây và hỗ trợ những gia đình dễ bị tổn thương. Phần tiền còn lại dự kiến được giải ngân trong những tháng tới với điều kiện chính quyền Palestine phải đạt tiến bộ về chương trình cải cách. Kế hoạch viện trợ nhằm mục đích khôi phục sự cân bằng tài chính cho chính quyền Palestine vào năm 2026, đồng thời nhấn mạnh đầu tháng 9-2025, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất dự luật "Chương trình toàn diện nhằm phục hồi và ổn định Palestine".
Chính quyền Palestine hoan nghênh khoản tài trợ này là bước quan trọng góp phần làm xoa dịu khủng hoảng tài chính và kinh tế mà người dân đang trải qua. Hiện, EU là nhà tài trợ quốc tế chính cho Palestine với tổng viện trợ lên đến hơn 1,3 tỷ USD liên tục từ năm 2021 đến 2024.
Thực tế, chính quyền Palestine vẫn luôn phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng tài chính trong nhiều năm trở lại đây khi một số quốc gia đã quyết định ngừng tài trợ trị giá 6 tỷ USD, tương đương gần 1/3 ngân sách. Bên cạnh đó, xung đột gần đây tại Gaza càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhất là trong bối cảnh Israel quyết định giữ lại doanh thu thuế dành cho Palestine.
Cùng ngày, cuộc không kích của Israel (ngày 13-4) vào bệnh viện Ahli ở Gaza khiến 1 trẻ em thiệt mạng, phá hủy phòng cấp cứu, phòng xét nghiệm, máy chụp X-quang và hiệu thuốc. Các nước trong khu vực phản ứng trước vụ việc. Ai Cập và Jordan khẳng định cuộc tấn công này vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và mọi chuẩn mực quốc tế, đồng thời kêu gọi Israel dừng ngay lập tức mọi cuộc tấn công Gaza và nhanh chóng mở cửa khẩu cho viện trợ nhân đạo và cứu trợ.
TẤN PHÁT