Ngày 4-4, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol, chính thức khép lại nhiệm kỳ của ông. Quyết định này được xem là bước ngoặt trên chính trường nước này sau vụ việc ông Yoon ban hành thiết quân luật gây tranh cãi hồi tháng 12-2024.
![]() |
Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Moon Hyung Bae đọc phán quyết về việc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol, ngày 4-4 tại Seoul. Ảnh: Reuters |
Phản ứng của dư luận Hàn Quốc trước sự việc cho thấy sự chia rẽ đáng chú ý: trong khi nhiều người dân tập trung bày tỏ sự đồng tình trước tòa án thì không ít người ủng hộ ông Yoon bật khóc bên ngoài phủ tổng thống. Bối cảnh này đặt ra thử thách cho hệ thống chính trị Hàn Quốc, khi quốc gia này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày, thời điểm nhạy cảm về cả đối nội lẫn địa chính trị khu vực.
Theo Reuters, trong phiên tòa ngày 4-4 của Tòa án Hiến pháp, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cho rằng quyết định áp dụng thiết quân luật trong thời gian ngắn của ông Yoon đã vi hiến và điều này đã dẫn đến việc ông chính thức bị luận tội và bãi nhiệm vai trò Tổng thống. Quyền Chánh án Moon Hyung Bae cho rằng ông Yoon đã “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ bảo vệ hiến pháp và làm suy giảm lòng tin của người dân”.
Sự việc bắt đầu vào ngày 3-12-2024, khi Tổng thống Yoon bất ngờ ban bố thiết quân luật với lý do ngăn chặn “các lực lượng chống nhà nước” và mối đe dọa từ các nhóm ủng hộ Triều Tiên. Mặc dù Hiến pháp Hàn Quốc cho phép áp dụng thiết quân luật trong những tình huống quốc gia khẩn cấp để duy trì trật tự và huy động quân đội, nhưng hành động lúc đó của ông Yoon gây tranh cãi gay gắt.
Trong 6 giờ thiết quân luật có hiệu lực, các binh sĩ đặc nhiệm được điều động đến trụ sở Quốc hội. Ở đó họ đập vỡ cửa kính và xảy ra xô xát với người biểu tình, những hình ảnh khiến dư luận Hàn Quốc không khỏi bàng hoàng. Theo AP, sau khi Tòa án Hiến pháp công bố phán quyết, quyền Tổng thống Han Duck Soo, người được chỉ định theo quy định kế nhiệm, tuyên bố sẽ bảo đảm không để xảy ra bất kỳ khoảng trống nào trong an ninh quốc gia và hoạt động đối ngoại.
Đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc lập tức bày tỏ quan điểm. Người phát ngôn Jo Seoung Lae gọi đây là “chiến thắng vĩ đại của người dân”, theo Nikkei Asia. Trong khi đó, phía ông Yoon đưa ra phản hồi thông qua nhóm luật sư bào chữa. Theo AP, cựu tổng thống bày tỏ vô cùng tiếc nuối vì không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời luật sư Yoon Kap Keun của ông Yoon cho rằng đây là “quyết định thuần túy mang tính chính trị và khó hiểu”.
Theo quy định của Hiến pháp Hàn Quốc, cuộc bầu cử tổng thống phải được tổ chức trong 60 ngày kể từ khi tổng thống đương nhiệm bị phế truất. Trong thời gian này, Thủ tướng Han Duck Soo tiếp tục giữ vai trò quyền Tổng thống. Ông Han, chuyên gia kỹ trị kỳ cựu do ông Yoon bổ nhiệm, khẳng định sẽ làm mọi điều có thể để bảo đảm cuộc bầu cử có trật tự, theo Reuters.
Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, ông Lee Jae Myung, hiện nổi lên là ứng viên hàng đầu cho vị trí tổng thống. Financial Times cho biết, đảng của ông Lee đang thúc đẩy chính sách tăng thuế đối với các cá nhân giàu có và các tập đoàn tài phiệt (chaebol), những lực lượng có ảnh hưởng sâu rộng trong nền kinh tế Hàn Quốc. Về đối ngoại, ông Lee theo đuổi đường lối được đánh giá là mang tính chất hòa giải hơn trong mối quan hệ với quốc gia láng giềng Triều Tiên.
Các đối thủ nặng ký của ông Lee gồm Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon và cựu lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền Han Dong Hoon. Theo Bloomberg, cả hai đều phản đối lệnh thiết quân luật của ông Yoon. Ông Oh là chính trị gia ủng hộ nới lỏng quy định cải tạo bất động sản và đề xuất Hàn Quốc nên tự phát triển năng lực hạt nhân.
Người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ lập tức nhậm chức mà không cần giai đoạn chuyển giao quyền lực và sẽ giữ chức trong một nhiệm kỳ duy nhất kéo dài 5 năm. Tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ phải chèo lái một đất nước đang đối mặt nhiều thách thức nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu và cán cân an ninh khu vực.
Tổng thống mới cũng cần thể hiện khả năng đàm phán với Mỹ để giảm tác động của các hàng rào thuế quan đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Trump bắt đầu làn sóng thương mại bảo hộ, đồng thời bảo đảm Washington vẫn cam kết mạnh mẽ ủng hộ đồng minh.
TRẦN ĐẮC LUÂN