Kỷ nguyên hòa bình, hợp tác cho 3 quốc gia Trung Á

.

Ngày 31-3, tại Khujand (Tajikistan), lãnh đạo ba nước Trung Á gồm Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan ký kết thỏa thuận mang tính lịch sử về điểm giao cắt đường biên giới giữa ba nước.

Theo Thông tấn xã Tajik của Tajikistan, sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức giữa Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov tại Khujand, dẫn đến chấm dứt tình trạng thiếu pháp lý về phân định biên giới kể từ khi độc lập. Thỏa thuận mới về điểm giao nhau của biên giới giữa ba nước trên thực tế đã được ghi nhận từ việc giải quyết vấn đề biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan sau gần 23 năm đàm phán.

Ngày 13-3, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov và Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon chính thức ký một thỏa thuận phân định biên giới tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Thỏa thuận này nhằm chấm dứt nhiều năm tranh chấp lãnh thổ phức tạp giữa hai quốc gia Trung Á. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên sẽ khôi phục các đường bay trực tiếp và mở lại biên giới, vốn đã bị đóng cửa gần 4 năm, kể từ tháng 5-2021. Ngoài ra, một số tuyến đường sẽ được thiết lập làm khu vực trung lập và không bên nào được cản trở việc sử dụng các cơ sở nông nghiệp cũng như năng lượng ở khu vực biên giới.

Việc ký kết thỏa thuận này mở đường cho ba nước tiến tới ký thỏa thuận chung. Cũng tại sự kiện ngày 31-3, tổng thống ba nước còn ký tuyên bố Khujand về “tình hữu nghị vĩnh viễn”. Ba nhà lãnh đạo cũng tham dự lễ khánh thành Khu phức hợp hữu nghị tại biên giới ba nước. Công trình này được xây dựng như một tượng đài cho tình hữu nghị của nhân dân Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan.

Có thể nói, việc ba nước ký kết thỏa thuận về đường biên giới đã kết thúc một giai đoạn tranh chấp biên giới phức tạp nhất ở Trung Á, cùng nhau hướng tới một nền hòa bình và ổn định khu vực. Đồng thời cũng là cơ hội để ba nước tăng cường hợp tác kinh tế và kết nối khu vực. Trong đó đáng chú ý là mở lại biên giới và khôi phục đường bay giúp thúc đẩy giao thương, du lịch và trao đổi lao động giữa ba nước.

Ngoài ra các tuyến đường và nguồn tài nguyên chung, đặc biệt là nguồn nước, sẽ được quản lý theo thỏa thuận, tránh xung đột lợi ích. Ở một khía cạnh khác, thỏa thuận này cũng cho thấy các quốc gia Trung Á có thể tự giải quyết tranh chấp mà không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài. Qua đó, tăng cường hợp tác nội khối có thể dẫn đến ký kết các hiệp định tương tự với những nước khác, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực đang hướng đến hội nhập sâu rộng hơn.

Ngay sau sự kiện này diễn ra, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao thỏa thuận này như một mô hình giải quyết xung đột bằng các giải pháp hòa bình và xem đây có thể trở thành tiền lệ quan trọng để các nước khác trong khu vực Trung Á cũng như các châu lục khác tham khảo để giải quyết các vấn đề về biên giới còn tồn đọng.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.