Mỹ, Nga nhận định khác biệt về thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine

.

Những ngày qua, các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga đưa ra những nhận định khác biệt về khả năng đạt thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm tại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại Saint Petersburg, ngày 11-4. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại Saint Petersburg, ngày 11-4. Ảnh: AFP

Mỹ và Nga vẫn tiếp tục các cuộc tiếp xúc, trao đổi để tìm giải pháp hòa bình ở Ukraine. Tuy nhiên điều đáng nói là trong khi Mỹ bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thì phía Nga lại tỏ ra thận trọng hơn, lưu ý những yếu tố then chốt khó có thể đạt sự đồng thuận.

Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Fox News của Mỹ gần đây, ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông, cho biết Mỹ đang đạt tiến triển trong các cuộc đàm phán với Nga liên quan đến việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Trả lời câu hỏi liệu có khả năng xuất hiện thỏa thuận giữa Mỹ và Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine hay không, ông Witkoff tin tưởng khẳng định: “Tôi cho rằng cụm từ “đang hình thành” là cách diễn đạt rất đúng vào thời điểm này”. Ông thậm chí còn cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng ký kết thỏa thuận “hòa bình vĩnh viễn” với Ukraine. “Yêu cầu của ông Putin là có nền hòa bình vĩnh viễn ở đây. Vì vậy, ngoài lệnh ngừng bắn, chúng tôi đã có câu trả lời cho điều đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đang tiến gần thứ gì đó rất quan trọng đối với thế giới nói chung”, ông Witkoff nói. Quan chức này cũng tin tưởng khả năng định hình lại mối quan hệ Nga - Mỹ thông qua một số cơ hội thương mại rất hấp dẫn.

Những tuyên bố trên của ông Witkoff được đưa ra sau cuộc gặp hiệu quả của ông với Tổng thống Putin ngày 11-4. Đây là cuộc gặp thứ ba giữa Nga và Mỹ và tạo ra “kênh cần thiết” để hai nhà lãnh đạo Putin và Trump có thể trao đổi thông tin với nhau. Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với truyền thông nhà nước Nga rằng không có đột phá nào được mong đợi trong chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ.

Cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Kommersant của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov xác nhận Moscow và Washington đang thảo luận các điều khoản chủ chốt liên quan đến thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, việc nhất trí các thành tố cốt lõi của thỏa thuận hòa bình là điều không dễ dàng. Những nội dung đó vẫn đang được tiếp tục thảo luận. “Chúng tôi hiểu rõ một thỏa thuận cùng có lợi sẽ như thế nào và thỏa thuận có thể khiến Nga sa vào cái bẫy khác trông sẽ ra sao. Nga không bao giờ chối bỏ thỏa thuận cùng có lợi”, ông Lavrov nhấn mạnh. Song, quan chức này thừa nhận thực tế đáng hoan nghênh rằng chính quyền Tổng thống Trump đang cố gắng hiểu “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc xung đột, đó là việc chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden ủng hộ Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Lavrov tái khẳng định lập trường nhất quán của Nga đã được Tổng thống Putin nêu rõ vào tháng 6-2024, với một trong những yêu cầu là Ukraine phải chính thức từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. “Điều này hoàn toàn dựa trên văn bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhiều công ước và kết quả trưng cầu dân ý…”, quan chức Nga nhấn mạnh.

Về quan hệ song phương Nga-Mỹ, Điện Kremlin cuối tuần qua cho biết còn quá sớm để mong đợi kết quả từ việc khôi phục quan hệ bình thường hơn với Washington. Giới chức Nga cũng khẳng định nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ động thái nào khiến họ phải phụ thuộc phương Tây về kinh tế, quân sự, công nghệ hoặc nông nghiệp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn sớm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Song, đến thời điểm này, ông Trump và người đồng cấp Nga đều chỉ điện đàm qua lại mà chưa có cuộc gặp chính thức trực tiếp nào kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 1-2025. Bất chấp sự bùng nổ của các hoạt động ngoại giao, vẫn chưa có nhiều tiến triển có ý nghĩa trong việc đạt lệnh ngừng bắn, mặc dù Ukraine đã đồng ý với các đề xuất của Mỹ.

Hiện cả Moscow và Kiev tiếp tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận do Washington làm trung gian nhằm tạm dừng các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của hai bên. Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik nói với TASS rằng quân đội Ukraine đã tấn công các cơ sở năng lượng của Nga gần 100 lần kể từ khi lệnh tạm dừng các cuộc tấn công như vậy có hiệu lực vào tháng 3-2025.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.