"Ngày hoảng loạn" của chứng khoán toàn cầu

.

Ngày 7-4, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng với màn bán tháo cổ phiếu khi giới đầu tư bất an về nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu do các mức thuế quan của Mỹ châm ngòi.

Màn hình hiển thị sự sụt giảm mạnh về giá cổ phiếu trung bình Nikkei tại Tokyo vào ngày 7-4. Ảnh: The Yomiuri Shimbun/AP
Màn hình hiển thị sự sụt giảm mạnh về giá cổ phiếu trung bình Nikkei tại Tokyo vào ngày 7-4. Ảnh: The Yomiuri Shimbun/AP

Cơn chấn động trên thị trường chứng khoán xóa sổ hàng tỷ USD tài sản của giới đầu tư tư nhân chỉ trong một ngày. Theo Channel News Asia, thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày 7-4, nhiều chỉ số tại các thị trường lớn chạm mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu mức giảm trong khu vực khiến giá cổ phiếu của hai “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc là Alibaba và Tencent đồng loạt mất hơn 8%. Tại Nhật Bản, chiều 7-4, chỉ số Nikkei 225 chính giảm 7,8%. Thậm chí, hợp đồng giao dịch tương lai (sản phẩm phái sinh cho phép nhà đầu tư đặt cược vào diễn biến thị trường) phải tạm ngừng do hệ thống kích hoạt cơ chế ngắt mạch khi thị trường giảm quá sâu. Thị trường Singapore, Philippines, Ấn Độ cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất sau nhiều tháng.

“Quyết định áp thêm thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc giáng đòn trực tiếp vào các ngành xuất khẩu cốt lõi như chất bán dẫn và EV (xe điện), gây ra sự định giá lại mạnh mẽ và rộng khắp trên các thị trường châu Á”, CNN dẫn nhận định của ông Dilin Wu, chiến lược gia nghiên cứu tại Pepperstone, một trong những nhà môi giới ngoại hối lớn nhất thế giới.

Theo The Guardian, châu Âu cũng không thoát khỏi làn sóng sắc đỏ khi cổ phiếu tiếp tục trượt mạnh, cộng thêm mức lỗ lớn của tuần trước đó. Đơn cử, tại Anh, chỉ số FTSE 100 của các cổ phiếu blue-chip giảm 6%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2024. Các công ty khai khoáng, ngân hàng và công ty đầu tư nằm trong số những doanh nghiệp ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Giới đầu tư ở Mỹ cũng lo lắng về tuần giao dịch đầy biến động trên với khả năng cao về đợt bán tháo ồ ạt tiếp theo.

“Thảm họa thứ Sáu” (ngày 4-4) có khả năng tiếp diễn trên thị trường chứng khoán Phố Wall ngày 7-4 (giờ Mỹ). Điều đáng nói là ngay cả vàng cũng bị bán tháo ngày 7-4. Theo truyền thống, vàng được xem là khoản đặt cược tài chính an toàn hơn nhưng giá kim loại quý này giảm hơn 4%, xuống còn khoảng 3.030 USD/ounce kể từ tuần trước.

Phản ứng hoảng loạn trên thị trường càng phơi bày sự thất vọng trong giới đầu tư khi đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump sẽ đảo ngược chính sách thuế quan. Theo CNN, bất chấp thị trường chứng khoán ước tính mất gần 6.000 tỷ USD giá trị, ông Trump vẫn tỏ ra không lo ngại khi nói rằng: “Đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa lành một thứ gì đó”.

Tâm lý nhà đầu tư châu Á cũng suy giảm mạnh khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ Mỹ dựa trên mức thuế hiện hành, kể từ ngày 10-4. Trong khi đó, ông Trump cho biết, Washington sẽ không đạt thỏa thuận với Bắc Kinh trừ khi thâm hụt thương mại với nền kinh tế thứ hai thế giới được giải quyết.

Channel News Asia dẫn lời Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại XTB, cho biết: “Thị trường đang tìm kiếm hành động cụ thể, chứ không phải lời nói suông. Thuốc chữa bách bệnh tốt nhất cho thị trường tài chính hiện nay sẽ là việc Mỹ tạm dừng hoặc đảo ngược chính sách thuế quan của mình”. Trong khi đó, khi được hỏi về việc các nhà đầu tư có thể làm gì trong lúc này, ông Kai Wang, chiến lược gia thị trường của Morningstar, kêu gọi giới đầu tư nên chuẩn bị tâm lý ứng phó khi thị trường tài chính sẽ vẫn biến động trong thời gian tới với rủi ro liên quan đến thuế quan. Đầu tư có chọn lọc vẫn là cách tốt nhất hiện nay.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vừa nâng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới, lên 45% từ mức 35% trước đó, giữa nỗi lo về cuộc chiến thương mại đang bao trùm thị trường toàn thế giới. “Quy mô và tác động tiềm tàng từ chính sách thương mại của Mỹ, nếu duy trì sẽ đủ để đẩy kinh tế Mỹ và toàn cầu nói chung rơi vào suy thoái”, Bruce Kasman, Giám đốc kinh tế tại JPMorgan nhấn mạnh, đồng thời nâng mức rủi ro suy thoái thậm chí lên 60%.

Theo The Bangkok Post, ngày 7-4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim kêu gọi các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần cùng nhau thiết lập thỏa thuận chung để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Malaysia tin tưởng nếu ASEAN đưa ra phản ứng theo lập trường thống nhất, khu vực này sẽ có nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ. Ông Anwar nhận định: “Chúng ta phải thừa nhận rằng đợt áp thuế toàn diện này có thể chỉ là khởi đầu cho những thách thức lớn hơn sắp tới đối với nền kinh tế”. Theo ABC News, đến nay, hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Mỹ để bắt đầu đàm phán thương mại.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.