Ngày 2-4, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin việc giải cứu những người còn sống bị mắc kẹt kể từ khi trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 28-3. Bất chấp sự tàn phá kinh hoàng của thảm họa này, những trường hợp sống sót kỳ diệu minh chứng cho khả năng sinh tồn đáng kinh ngạc của con người trong thảm họa.
Theo TTXVN, chiều 2-4, Đội cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp lực lượng cứu hộ của Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu thành công nam thanh niên mắc kẹt hơn 5 ngày bên trong khách sạn Aye Chan Thar ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar. Người được giải cứu là anh Htet Maung Maung, 26 tuổi, đầu bếp tại khách sạn này. Sức khỏe của nạn nhân khá tốt, do trước đó đã được lực lượng cứu hộ truyền nước.
Sau khi được giải cứu, anh Htet Maung Maung được đưa lên xe cứu thương để chuyển tới bệnh viện trong niềm vui vỡ òa của gia đình cũng như lực lượng cứu hộ và những người có mặt.
Sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ chung của Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu một người đàn ông còn sống sau 5 ngày bị mắc kẹt trong đống đổ nát tại thành phố Mandala. Trước đó, ngày 1-4, lực lượng cứu hộ cứu sống một phụ nữ mắc kẹt hơn 90 giờ dưới đống gạch đất của một tòa nhà.
Những trường hợp giải cứu nói trên được coi là kỳ tích, bởi thông thường cơ hội sống sót của các nạn nhân mắc kẹt giảm đáng kể sau “thời gian vàng” 72 giờ đầu tiên, qua đó dấy lên hy vọng về khả năng vẫn có nhiều nạn nhân còn sống, đang bị đất đá chôn vùi sau thảm họa động đất. Công các cứu hộ, cứu nạn hiện đang được triển khai khẩn trương. Theo AFP, đến nay, đã có hơn 1.000 nhân viên cứu hộ quốc tế có mặt ở Myanmar để chung tay nỗ lực cứu hộ. Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin, có gần 650 người được cứu sống khỏi các tòa nhà đổ nát trên khắp đất nước. Từ đây, có nhiều câu chuyện cảm động, kỳ tích xuất hiện như một phép màu.
Công tác cứu hộ, cứu nạn được triển khai tích cực, khẩn trương, song cũng đối mặt với nhiều khó khăn do việc thông tin liên lạc chắp vá và cơ sở hạ tầng yếu kém làm chậm trễ các nỗ lực thu thập thông tin và cung cấp viện trợ. Theo CNN, bà Julie Bishop, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar, kêu gọi tất cả các bên tập trung nỗ lực vào việc bảo vệ dân thường, bao gồm cả nhân viên cứu trợ và ưu tiên cho hoạt động khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, các đội tìm kiếm và cứu hộ địa phương được hỗ trợ bởi các đơn vị cứu hộ quốc tế từ các quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Bangladesh đã tăng cường nỗ lực, đặc biệt ở miền trung Myanmar, nơi vẫn tiếp tục hứng chịu dư chấn. Trên mạng xã hội X, Trưởng phòng cứu trợ Tom Fletcher, người đứng đầu OCHA, cho biết LHQ đang liên lạc với chính quyền Myanmar về cách cộng đồng quốc tế có thể làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là kêu gọi gia tăng ngân sách viện trợ nước ngoài từ Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu. Ngày 2-4, Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này sẵn sàng cung cấp khoảng 6 triệu USD viện trợ không hoàn lại khẩn cấp cho các nạn nhân trong trận động đất tàn khốc tại Myanmar.
Tính đến ngày 2-4, ít nhất 2.800 người chết, hơn 4.600 người bị thương, cùng ít nhất 370 người mất tích, Tân Hoa Xã trích dẫn thông tin của hội đồng quản lý nhà nước Myanmar. Tuy nhiên, quy mô thực sự của thảm họa vẫn chưa được làm rõ và số người chết có khả năng sẽ tăng lên.
HÙNG LÂM