Châu Âu vừa công bố kế hoạch tăng cường phòng thủ với chiến lược an ninh toàn diện mới nhằm đối phó các mối đe dọa ngày càng phức tạp, đánh dấu cột mốc quan trọng về quốc phòng và an ninh.
![]() |
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels (Bỉ). Ảnh: Shutterstock.com |
Trong bối cảnh 64% người dân châu Âu lo ngại về an ninh, Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố lộ trình “ProtectEU” nhằm thiết lập khuôn khổ mới để bảo vệ người dân khỏi những mối đe dọa ngày càng phức tạp trong kỷ nguyên số, tiếp nối Sách Trắng về quốc phòng châu Âu và chiến lược ứng phó của EU.
An ninh đang nổi lên như ưu tiên hàng đầu tại châu Âu, trong bối cảnh các mối đe dọa đang ở mức đáng lo ngại. Báo cáo Đánh giá mối đe dọa tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức của Liên minh châu Âu (SOCTA) mới nhất từ Europol cho thấy, các mạng lưới tội phạm có tổ chức đang phát triển mạnh tại châu Âu. Khởi đầu với các hoạt động trên không gian mạng, những tổ chức này dần len lỏi vào nền kinh tế thực, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực và khó kiểm soát. Thống kê của Europol cho thấy, có đến 1/3 các mạng tội phạm nguy hiểm nhất đã tồn tại và hoạt động trong hơn một thập niên.
Bên cạnh mặt tích cực, công nghệ hiện đại cũng tạo ra các mối đe dọa mới, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng. Những cuộc tấn công mạng và chiến dịch thao túng thông tin, trong đó có việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo, đang diễn ra với tần suất và quy mô ngày càng lớn, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với an ninh chung của toàn khối.
Trước tình hình đó, chiến lược “ProtectEU” được thiết kế dựa trên 3 nguyên tắc nền tảng. Thứ nhất, đổi mới văn hóa an ninh theo hướng tiếp cận toàn xã hội. Thứ hai, lồng ghép yếu tố an ninh vào tất cả chính sách, luật pháp và chương trình hành động của EU, kể cả trong hoạt động đối ngoại, nhằm bảo đảm chiến lược an ninh xuyên suốt và toàn diện. Thứ ba, đề cao vai trò của đầu tư, cả từ EU, các quốc gia thành viên và khu vực tư nhân, trong việc cung cấp đầy đủ nguồn lực tài chính và nhân lực cần thiết cho triển khai chiến lược.
Ủy ban châu Âu nhấn mạnh, mỗi công dân trong EU có quyền cơ bản được sống trong môi trường an toàn, dù là trên đường phố, tại nhà, trong không gian công cộng, trên các phương tiện giao thông hay trong thế giới số. Đây chính là nền tảng nhân văn cốt lõi mà mọi chính sách an ninh của EU đều phải hướng tới.
ProtectEU đặt mục tiêu xây dựng một châu Âu an toàn hơn thông qua 5 trụ cột hành động chủ đạo nhằm ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa ngày càng đa dạng và phức tạp.
Trụ cột đầu tiên tập trung vào việc củng cố năng lực an ninh nội khối, với trọng tâm cải tổ Europol để trở thành lực lượng cảnh sát nghiệp vụ thực sự vào năm 2026. Song song đó, EU phát triển Hệ thống truyền thông quan trọng châu Âu (EUCCS) nhằm kết nối các hệ thống truyền thông thế hệ mới giữa các quốc gia thành viên, đồng thời mở rộng quy mô lực lượng biên phòng và bảo vệ bờ biển châu Âu lên 30.000 người, được trang bị công nghệ hiện đại phục vụ giám sát và nhận diện tình huống.
Trụ cột thứ hai nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước các mối đe dọa và hành vi thù địch, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ hạ tầng trọng yếu và an ninh mạng. Trong đó, EU coi mã độc tống tiền (ransomware) là mối đe dọa nghiêm trọng, với thiệt hại toàn cầu có thể vượt 250 tỷ euro vào năm 2031, đồng thời đặt mục tiêu lấp đầy khoảng trống 299.000 nhân sự còn thiếu trong ngành an ninh mạng.
Trụ cột tiếp theo nhắm vào việc siết chặt mạng lưới đối phó với tội phạm có tổ chức. Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất khung pháp lý mới về loại tội phạm này vào năm 2026, đồng thời triển khai kế hoạch chống gian lận trực tuyến, buôn bán ma túy và vũ khí, và mở rộng phạm vi của Liên minh Cảng EU để bao gồm cả các cảng nhỏ, cảng nội địa từ năm 2025.
Trong nỗ lực ngăn chặn khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, trụ cột thứ tư đề xuất thiết lập hệ thống giám sát tài trợ khủng bố bao phủ toàn EU, gồm các giao dịch nội khối, thanh toán trực tuyến, chuyển tiền qua SEPA và tài sản kỹ thuật số. Cuối cùng, trụ cột thứ 5 xác định vai trò toàn cầu của EU trong lĩnh vực an ninh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng, Mỹ Latinh và Địa Trung Hải, qua đó định vị EU như tác nhân an ninh có ảnh hưởng quốc tế.
Để thực hiện hiệu quả ProtectEU, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên EU là không thể thiếu. Thông qua các biện pháp toàn diện này, EU hướng đến việc tạo ra một liên minh mạnh mẽ hơn trên thế giới, có khả năng dự đoán, lập kế hoạch và tự lo liệu các nhu cầu an ninh của mình, có thể phản ứng hiệu quả với các mối đe dọa đối với an ninh nội bộ và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
TRẦN ĐẮC LUÂN