Các nhà khoa học Nhật Bản đang phát triển phương pháp rất mới, áp dụng tiến bộ của y học tái tạo, tế bào gốc, mở ra hướng điều trị cho trẻ tự kỷ.
Điều trị cho trẻ mắc phổ tự kỷ (ASD) là mối quan tâm rất lớn đối với các nhà khoa học cũng như các nhà hoạt động xã hội. Thực tế, đã có nhiều biện pháp được áp dụng để điều trị, bao gồm các phương pháp giáo dục, điều chỉnh hành vi, y học và trị liệu bổ trợ… nhưng vẫn chưa đạt kết quả cao như mong muốn. Vài năm trở lại đây, nhờ tiến bộ khoa học, việc điều trị trẻ em mắc ASD bằng tế bào gốc là một lĩnh vực mới và đang được nghiên cứu, với nhiều thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo trang web chính thức của Viện Nghiên cứu tế bào gốc Tokyo (TSRI), trong nỗ lực tiên phong nhằm tìm ra liệu pháp mới để điều trị trẻ em mắc ASD của TSRI, đã mang đến hy vọng cải thiện hiệu quả cho những trẻ em mắc căn bệnh này bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stem Cell Reviews and Reports năm 2022 bởi Villarreal-Martínez và cộng sự. Theo đó, các chuyên gia tiến hành phân tích tổng hợp 11 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến việc sử dụng liệu pháp tế bào gốc cho trẻ em mắc ASD.
Theo TSRI, với khả năng tái tạo tế bào thần kinh, điều hòa hệ miễn dịch và giảm viêm, liệu pháp tế bào gốc giúp giảm đáng kể tình trạng bệnh của hơn 90% trong tổng số hơn 500 ca điều trị trong thời gian qua.
Tiến sĩ Takahiro Honda, Giám đốc TSRI, cho biết việc điều trị tự kỷ bằng phương pháp tế bào gốc là phương pháp mới, mang lại hiệu quả cao trong cải thiện tình trạng bệnh. Thông thường, cách điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc để kiểm soát một vài triệu chứng cụ thể hoặc tiến hành các liệu pháp giáo dục đặc biệt giúp trẻ phần nào thích nghi với xã hội, mặc dù vẫn không thay đổi bản chất của tự kỷ. Trong khi đó, trị liệu tế bào gốc là phương pháp đặc biệt, tập trung trực tiếp vào các nguyên nhân cốt lõi của tự kỷ.
Thay vì coi tự kỷ là tình trạng không thể chữa khỏi, liệu pháp này định nghĩa tự kỷ là bệnh lý có thể điều trị được và xem đó là vấn đề y học cần được can thiệp. Bằng cách sử dụng liệu pháp tế bào gốc, các bác sĩ Nhật Bản hướng đến việc điều trị từ gốc rễ, đây chính là điểm đột phá mang tính cách mạng của liệu pháp tế bào gốc.
Chị Fumi là mẹ của bé trai hơn 2 tuổi bị mắc chứng tự kỷ, gia đình quyết định tham gia vào chương trình thực nghiệm của Tiến sĩ Takahiro. Chị Fumi chia sẻ với CNN: “Tôi nhận thấy con không còn hành vi tự làm tổn thương bản thân trong giai đoạn ngay sau trị liệu. Ngoài ra, những hành vi như cắn người cũng không còn nữa, có thể nói là hết hoàn toàn. Một điểm thay đổi khác là trước đây bé rất ghét đội mũ khi đi dạo cùng lớp ở nhà trẻ, nhưng chỉ trong vòng một tuần sau khi điều trị, bé đã có thể đội mũ”.
Trên thế giới, có một số cơ sở áp dụng cách tiếp cận tương tự với liệu pháp tế bào gốc để điều trị tự kỷ cho trẻ em, tuy nhiên ở Nhật Bản, hiện TSRI là đơn vị duy nhất thực hiện hiệu quả liệu pháp này. Dù đạt hiệu quả với hơn 90% số bệnh nhân mắc ASD, nhưng Tiến sĩ Takahiro lưu ý, điều quan trọng là xác định trường hợp nào có khả năng đáp ứng tốt với điều trị và ngược lại. Điều này liên quan mật thiết đến nguyên nhân gây ra tự kỷ, vốn vẫn chưa được khoa học làm sáng tỏ hoàn toàn.
Có thể nói, điều trị cho người mắc ASD bằng tế bào gốc là một trong những hướng nghiên cứu đầy tiềm năng, tác động mạnh mẽ đến giới khoa học quyết vượt qua thách thức, tập trung nghiên cứu và hướng điều trị trong tương lai cho người mắc ASD bằng tế bào gốc.
LÊ MINH HÙNG