Huyện Hòa Vang hiện có 19 trường mầm non (MN) với tổng số điểm trường lên đến 65. Số điểm trường nhiều khiến việc đầu tư cơ sở vật chất bị dàn trải, khó bố trí giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Theo quy định, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia không được quá 5 điểm trường. Chính vì vậy, chủ trương của huyện là tiếp tục quyết liệt thực hiện việc bố trí, sắp xếp các điểm trường lẻ tập trung về trường chính, đồng thời chia tách các trường có quá nhiều điểm lẻ.
Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ tại Trường mầm non Hòa Tiến 1. |
Những năm trước, huyện đã tiến hành chia tách các trường MN ở một số xã có số học sinh quá nhiều như: Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Liên. Năm học 2016- 2017 tiếp tục tách Trường MN Hòa Phong 2 từ Trường MN Hòa Phong. Ông Lê Văn Hoàng, Phó phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, theo quy hoạch mạng lưới trường lớp từ nay đến năm 2020, huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục thành lập thêm các trường mầm non mới từ việc tách ra từ các trường mầm non có số điểm trường nhiều. Cụ thể, năm học 2017-2018 sẽ tách Trường MN Hòa Khương và những năm tiếp theo sẽ tách các Trường MN Hòa Sơn, MN Hòa Nhơn, MN Hòa Phước.
Sau khi chia tách, tổng số trường MN toàn huyện sẽ tăng cao và tổng số các điểm trường sẽ ít hẳn lại, vì vậy việc theo dõi, quản lý, kiểm tra các hoạt động giáo dục sẽ được chặt chẽ hơn. Cùng với đó, ông Hoàng nhận định, tỷ lệ học sinh huy động ra lớp tăng, đội ngũ giáo viên được giảng dạy trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ hơn và cơ hội học tập với đồng nghiệp được nhiều hơn. Nhiều học sinh được học điểm trường chính với điều kiện học tập, môi trường sinh hoạt thuận tiện, đầy đủ hơn... Từ đó chất lượng chăm sóc giáo dục các trường được nâng cao.
Xã Hòa Tiến là địa phương chia tách trường MN đầu tiên trên địa bàn Hòa Vang, từ năm 1997, sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Trong đó, Trường MN Hòa Tiến 1 là đơn vị liên tục giữ vững danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc 19 năm liền, vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, cao nhất là Huân chương Lao động hạng ba năm 2009 và Huân chương Lao động hạng nhì năm 2015.
Trường MN Hòa Tiến 1 hiện có 16 nhóm lớp tại 3 điểm trường: Yến Nê 2, Bắc An và Cẩm Nê. Trường được xây dựng từ năm 2001 nên cơ sở vật chất không đẹp so với các trường mới xây dựng, tuy nhiên trang thiết bị đều hiện đại, phục vụ tốt cho việc dạy và học. Hiện đã có 8 camera quan sát, trong năm học 2017- 2018, trường sẽ xin kinh phí bắt thêm 3 camera nữa.
Một trong những hoạt động giúp cho MN Hòa Tiến 1 trở thành “đầu tàu” của ngành học MN ở Hòa Vang là phát huy sáng kiến. Từ những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, tận dụng những phế phẩm sinh hoạt hằng ngày, các cô giáo hướng dẫn cho trẻ làm gần 6.000 đồ dùng đồ chơi các loại, vừa bảo vệ môi trường, vừa trang trí trong lớp theo chủ đề, góp phần tạo môi trường mở cho trẻ trải nghiệm, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo ở trẻ. Trong nhiều năm liền MN Hòa Tiến 1 luôn đạt giải nhất cấp thành phố tại Hội thi làm đồ dùng đồ chơi tự tạo phục vụ dạy và học cho trẻ. Cô Hiệu trưởng Đỗ Nữ Lâm Thanh cho biết, một số trường MN từ Quảng Ngãi ra “đặt hàng” các đồ chơi, đồ dùng dạy học do cô và trò Trường MN Hòa Tiến 1 tự “sản xuất”.
Những ngày này, các cô giáo MN trên toàn huyện đang tất bật trang hoàng cơ sở, từ trong lớp học ra đến sân trường để chuẩn bị đón trẻ. Đến trung tuần tháng 8 này, đã có 435 trẻ được phụ huynh đăng ký tại Trường MN Hòa Tiến 1, tăng 14 cháu so với năm học trước. Tuy nhiên, theo cô Thanh, đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi nhiều phụ huynh mãi đến ngày 5-9 khai giảng năm học mới mới đưa con em mình đến trường đăng ký.
Theo ông Lê Văn Hoàng, ngoài lương được hưởng từ ngân sách Nhà nước (xóa chế độ hưởng lương từ phụ huynh), giáo viên MN ở Hòa Vang nói chung không hưởng chế độ nào khác. Tuy nhiên cũng như giáo viên phổ thông, giáo viên MN Hòa Vang được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đứng lớp với các xã miền núi là 50% (các nơi khác 35%). Vậy với thu nhập như hiện nay, giáo viên phổ thông nói chung và giáo viên MN nói riêng vẫn còn khó khăn. Thế nhưng, với tấm lòng cô giáo như mẹ hiền, tất cả đều hòa chung vào sự phát triển của ngành GD&ĐT để chăm sóc, nuôi dạy các cháu “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ