Đề án "Sữa học đường": Cần tính toán hợp lý

.

Việc triển khai đề án “Sữa học đường giai đoạn 2018-2020” của ngành giáo dục Đà Nẵng vẫn còn nhiều băn khoăn từ phía phụ huynh và nhà trường; vì vậy cần có sự tính toán hợp lý.

Uống sữa giúp trẻ có thêm dinh dưỡng phát triển thể chất. TRONG ẢNH: Các bé ở Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu trong giờ hoạt động ngoại khóa.  												  Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Uống sữa giúp trẻ có thêm dinh dưỡng phát triển thể chất. TRONG ẢNH: Các bé ở Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu trong giờ hoạt động ngoại khóa. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 2018-2020 có 100% nhà trẻ, trẻ em từ 1 – 6 tuổi ở tất cả các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố được uống sữa nhằm cải thiện tầm vóc, cân nặng với định mức 180ml/lần, 5 lần/tuần, 9 tháng/năm. 3 đối tượng được hỗ trợ gồm: trẻ thuộc diện hộ nghèo, khuyết tật, mồ côi (Nhà nước hỗ trợ 78%, công ty sữa hỗ trợ 22%); trẻ thuộc diện hộ cận nghèo, gia đình chính sách, bố mẹ là công nhân tại khu công nghiệp (thành phố hỗ trợ 68%, công ty sữa hỗ trợ 22%, phụ huynh đóng góp 10%); trẻ không thuộc hai diện trên (thành phố hỗ trợ 20%, công ty sữa hỗ trợ 22%, phụ huynh đóng góp 58%). Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đề án nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mầm non thông qua hoạt động uống sữa hằng ngày. Hoạt động này cũng góp phần kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sữa, định lượng sữa trẻ mầm non được uống tại các cơ sở giáo dục và giảm chi phí đóng góp hằng tháng cho phụ huynh.

Anh Lê Huy Hoàng, Chi hội trưởng phụ huynh của một trường mầm non trên địa bàn quận Hải Châu cho rằng, chủ trương của đề án rất tốt, mang tính nhân đạo nhằm hỗ trợ trẻ khó khăn được uống sữa; tuy nhiên không nên triển khai “cào bằng”. “Theo tôi, nói là “tự nguyện” nhưng ép các trường đều tham gia đề án thì không nên, bởi mỗi trường mỗi hoàn cảnh khác nhau. Thay vì hỗ trợ đại trà, nên hỗ trợ một số điểm trường nhất định”, anh Hoàng nói.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, trong khoảng 50 trường mầm non trên địa bàn vẫn còn một số trường không đăng ký tham gia. “Việc tham gia đề án này là tự nguyện và các trường đều phải triển khai cho phụ huynh biết. Phụ huynh nào đồng ý thì sẽ triển khai việc uống sữa cho con em họ. Nếu trường nào không triển khai và phụ huynh không biết được chủ trương này thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm”, bà Hà nói.

Uống sữa giúp trẻ có thêm dinh dưỡng phát triển thể chất. TRONG ẢNH: Các bé ở Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu trong giờ uống sữa.
Uống sữa giúp trẻ có thêm dinh dưỡng phát triển thể chất. TRONG ẢNH: Các bé ở Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu trong giờ uống sữa.

Nhiều phụ huynh khác lại băn khoăn về loại sữa. “Trong danh sách ngành giáo dục đưa ra có 4 loại sữa gồm: Vinamilk, TH True Milk, Nutifood và Cô gái Hà Lan. Làm sao bảo đảm các hãng sữa này tốt và uy tín hơn những loại sữa con chúng tôi đang được uống ở trường? Việc trợ giá cho phụ huynh là tốt để các con có thể được uống nhiều sữa hơn nhưng đừng bắt buộc phải dùng một loại sữa nào đó, trong khi chất lượng vẫn còn là vấn đề đang gây tranh cãi”, chị Ngô Thị Thu Hương, phụ huynh có con học lớp chồi tại một trường mầm non trên địa bàn quận Thanh Khê bày tỏ. Chị Hương cũng thắc mắc, nếu các bé uống sữa có vấn đề về sức khỏe thì quy trách nhiệm cho ai: nhà trường, công ty cung cấp hay đơn vị quản lý giáo dục?

Không chỉ phụ huynh lo lắng mà ngay cả hiệu trưởng nhiều trường cũng trăn trở. “Hiện các cháu đang được uống sữa bột, nhất là những cháu ở độ tuổi còn bé thì phù hợp sữa bột hơn; tuy nhiên, nếu chuyển qua thực hiện đề án này thì phải uống toàn bộ sữa nước”, cô T., Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn quận Hải Châu chia sẻ. Cô T. cũng cho biết, theo đề án, các bé được uống sữa 5 ngày/tuần, trong khi trẻ mầm non chủ yếu học 6 ngày/tuần thì ngày cuối cùng phải đổi loại sữa khác hay sao. Ngoài ra, đề án chỉ hỗ trợ mỗi bé 1 hộp sữa tươi tương ứng 110ml sữa/ngày, nhưng nhìn chung hiện nay các bé đã được uống vượt số lượng đó. Nếu thực hiện y như đề án thì số ml sữa vượt ngoài phải tính thế nào.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà cho biết: “Theo khảo sát, nhìn chung có nhiều trường đã đồng ý với đề án; tuy nhiên chúng tôi sẽ lấy ý kiến cụ thể của các trường, nhất là một số trường tư thục để thực hiện tốt hơn”, bà Thảo nói.

Bà Lê Thị Bích Thuận cho biết, đề án “Sữa học đường” đang trong giai đoạn chờ phê duyệt của UBND thành phố và phải qua đấu thầu tập trung; cố gắng thực hiện trong năm 2018. “Chúng tôi sẽ chọn những hãng sữa có uy tín bảo đảm chất lượng dinh dưỡng cho trẻ. Danh sách 4 công ty sữa chỉ là dự kiến và chưa được chốt, còn tùy thuộc số lượng đơn vị đăng ký đấu thầu”, bà Thuận nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.