Nhiều trường khó đạt chuẩn

.

Nhiều trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không thể đạt chuẩn quốc gia hoặc đã được công nhận chuẩn quốc gia ở giai đoạn trước nhưng sau đó lại bị… mất chuẩn. Vì sao xảy ra thực trạng này và ngành giáo dục có phương án giải quyết như thế nào?

Khối lớp 9 của Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) có sĩ số trên 45 em/lớp nên trường không giữ được chuẩn quốc gia.
Khối lớp 9 của Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) có sĩ số trên 45 em/lớp nên trường không giữ được chuẩn quốc gia.

Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010. Theo quy định, sau 5 năm, trường sẽ được đánh giá lại các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Đến nay, nhà trường không đạt chuẩn vì không bảo đảm đủ các tiêu chí.

Hiện trường có 35 lớp, trong đó có 9 lớp 9. Theo 5 tiêu chí về trường chuẩn quốc gia thì nhà trường có 2 tiêu chí không đạt là sĩ số học sinh/lớp và cơ sở vật chất. Thầy Trần Công Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường phải nhận nhiều học sinh do số học sinh tăng nhưng lại thiếu phòng học dẫn đến quá tải ở mỗi lớp.

Bởi vậy khối lớp 9 hiện có đến 48 em/lớp, không đạt chuẩn quy định 45 em/lớp. Ngoài ra, nhà trường cũng thiếu phòng nghe nhìn, phòng bộ môn Sinh, Lý, Tin, nhà thể thao đa năng… Hiện một dãy nhà của trường đang hoàn thiện và có thể đáp ứng nhu cầu phòng học nhưng vẫn còn thiếu trang thiết bị bên trong.

Nhiều trường học khác ở quận Thanh Khê cũng không đạt chuẩn vì lý do tương tự. Chẳng hạn, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng có sĩ số học sinh trên 45 em/lớp. Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm thiếu giáo viên phụ trách phòng Tin học, Vật lý, thiếu cán bộ y tế... Nhà trường cũng không đủ diện tích theo quy định là 6m2/học sinh.

Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu không có khu tập thể dục-thể thao đa năng... Ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê cho biết, hiện nhiều trường trên địa bàn đều đã đạt các tiêu chí, tuy nhiên do sĩ số học sinh hằng năm tăng, trong khi diện tích lớp học chưa mở rộng kịp nên ngành giáo dục quận rất mong thành phố tạo điều kiện cho các trường mở rộng diện tích và đầu tư thêm cơ sở vật chất để được công nhận đạt chuẩn.

Tương tự, một số trường tại quận Hải Châu cũng không thể đạt chuẩn vì lý do “đất chật, người đông”. Quận Hải Châu hiện chỉ có 18/75 trường đạt chuẩn theo các tiêu chí Bộ GD-ĐT quy định. Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu, một số trường có diện tích mặt bằng quá nhỏ nên với quy mô phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì sẽ không bảo đảm đủ diện tích học tập, vui chơi như Trường mầm non Trúc Đào, Trường mầm non Măng Non…

Do ảnh hưởng của việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị nên việc lập kế hoạch phát triển hằng năm cho một số trường bị động. Ngoài ra, để học sinh được học 2 buổi/ngày, các trường phải tận dụng phòng chức năng làm phòng học dẫn đến thiếu phòng chức năng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lịch, Phó phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết, địa phương hiện có 15/28 trường chưa đạt chuẩn do việc tăng dân số cơ học quá nhanh trong khi trường lớp xây dựng không kịp.

Theo Sở GD-ĐT, hiện toàn thành phố Đà Nẵng còn 241/362 trường học chưa đạt chuẩn, chiếm 59,2%, trong đó có 38 trường chưa đạt chuẩn do thiếu diện tích đất. Bộ GD-ĐT quy định trường trong nội thành phải đủ diện tích 6m2/học sinh, trường ngoại thành thì 10m2/học sinh.

Trong khi đó, trường có khoảng 2.800m2 đất nhưng có đến 1.979 học sinh, nếu chia tỷ lệ đất/học sinh thì không đủ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Gám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian đến, sở sẽ tham mưu, đề xuất đầu tư nâng tầng các trường học ở khu vực trung tâm; đồng thời xây dựng thêm trường học, phòng học ở vùng ven. Cùng với đó là việc phân luồng, điều tiết học sinh để bảo đảm đủ sĩ số học sinh/lớp theo đúng chuẩn.

Hiện toàn thành phố Đà Nẵng còn 241/362 trường học chưa đạt chuẩn, chiếm 59,2%, trong đó có 38 trường chưa đạt chuẩn do thiếu diện tích đất.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.