Cân nhắc thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học

.

Hôm nay (19-7), thí sinh bắt đầu thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2018. Trong bối cảnh điểm thi thấp hơn nhiều so với năm ngoái và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cũng thấp, nhiều thí sinh lo lắng việc nên hay không nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hoặc điều chỉnh như thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Thí sinh cần thận trọng thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học. Trong ảnh: Thí sinh tìm hiểu về các trường đại học trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Đà Nẵng.
Thí sinh cần thận trọng thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học. Trong ảnh: Thí sinh tìm hiểu về các trường đại học trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Đà Nẵng.

Đăng ký 3 nguyện vọng vào Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) trước đó, Ngô Anh Vân (ở quận Hải Châu) cho biết:

“Mặc dù đầu tư học và yêu thích môn Hóa nhưng vừa rồi em làm bài thi không tốt lắm. Tổng điểm 3 môn chỉ được 18 điểm nên em nghĩ rất khó đậu ngành Sư phạm Hóa học. Bởi vậy, em điều chỉnh nguyện vọng 1 từ Sư phạm Hóa sang Hóa học 3 chuyên ngành (Hóa dược; Hóa dược (tăng cường Tiếng Anh); Hóa phân tích môi trường). Với nguyện vọng 2 xét tuyển vào ngành Hóa học chất lượng cao và Giáo dục tiểu học thì em sẽ giữ nguyên”.

Cùng chung tâm trạng lo lắng, em Đặng Hồng Đức (ở quận Thanh Khê) cho hay, tổng điểm tổ hợp của em chỉ 17 điểm.

“Em định đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Toán nhưng tổng điểm tổ hợp không cao, nếu so sánh với mức điểm chuẩn vào ngành này năm ngoái thì khả năng đỗ rất thấp nên có lẽ em phải thay đổi các nguyện vọng để chọn vào trường chắc ăn hơn”, Đức nói. Đức cũng sẽ nộp thêm hồ sơ vào một số trường ĐH tư thục để tăng cơ hội cho bản thân.

Với phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tương đối thấp, dự kiến mức điểm chuẩn vào các trường ĐH, CĐ năm nay sẽ giảm khoảng 1-2 điểm. Hiện nay, các trường cũng đã giảm điểm nhận đăng ký xét tuyển từ 0,5 đến 2 điểm như:

Trường ĐH Bách khoa là 15-16 điểm (giảm 0,5-1 điểm so với năm ngoái), Trường ĐH Kinh tế 15 điểm (giảm 0,5 điểm so với năm ngoái), Trường ĐH Sư phạm ở các ngành đào tạo sư phạm 17 điểm và các ngành khác 15 điểm (giảm 0,5 điểm so với năm ngoái), Khoa Y dược của ĐH Đà Nẵng thấp nhất là ngành Điều dưỡng với 16 điểm (giảm 2 điểm so với năm ngoái)…

Trong khi các trường đều giảm điểm nhận đăng ký xét tuyển thì mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm lại là 17 điểm (tăng hơn 1,5 điểm so với năm ngoái) cho tất cả tổ hợp xét tuyển, gồm 3 môn/bài thi.

Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm năm nay cũng chỉ có 400, giảm khoảng 100 chỉ tiêu. Điều này khiến nhiều thí sinh lo lắng khi đăng ký xét tuyển vào các ngành Sư phạm. Tuy nhiên, ông Phan Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm cho biết: “Điểm chuẩn các ngành đào tạo sư phạm của trường thường trên 17 điểm, nhiều ngành điểm chuẩn 22-23 điểm như: Sư phạm Hóa học, Sư phạm Ngữ văn... Do vậy, điểm nhận đăng ký xét tuyển có tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc trúng tuyển của các em”.

Theo ông Tuấn, được điều chỉnh nguyện vọng là lợi thế lớn của thí sinh. Các em cần căn cứ vào điểm chuẩn của ngành đó năm ngoái và trừ 1-2 điểm (do năm nay điểm thi thấp hơn) để tính khả năng đậu vào ngành mình yêu thích.

Với những em đã chọn được ngành, trường ưng ý thì chỉ nên thay đổi tổ hợp môn xét tuyển, còn với mức điểm vừa phải thì chỉ nên đăng ký nguyện vọng vào ngành ở các trường ĐH có điểm nhận hồ sơ và điểm chuẩn dự kiến không quá cao.

Ông Lê Thanh Huy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế cho hay: “Để xác định nguyện vọng đạt hiệu quả, các em cần so sánh tương quan điểm thi chung, tương quan điểm trúng tuyển các năm trước của các ngành, trường dự kiến đăng ký xét tuyển để có lựa chọn phù hợp. Điểm chuẩn dự kiến sẽ thấp hơn năm ngoái nhưng cũng còn phụ thuộc vào điểm thi của những người cùng đăng ký xét tuyển”.

Theo ông Huy, thí sinh chỉ cần đăng ký những ngành/trường yêu thích ở những nguyện vọng cao nhất cùng với tổ hợp môn cao điểm nhất. Khi đã đậu nguyện vọng 1, các nguyện vọng khác sẽ bị hệ thống hủy; nếu không đậu nguyện vọng 1, hệ thống sẽ xét đến nguyện vọng 2, tương tự tiếp tục đến các nguyện vọng khác…

Ông Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo thuộc ĐH Đà Nẵng cho rằng, nếu thí sinh thi THPT có kết quả như mong đợi thì không nên thay đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, trường hợp có những ngành đào tạo mới mở của các trường hoặc có những ngành sinh viên mới tìm hiểu sau khi đã đăng ký nguyện vọng đợt 1 thì bây giờ là thời điểm thích hợp nhất để thí sinh điều chỉnh, đăng ký nguyện vọng bổ sung vào các ngành mới này.

100 thí sinh được xét tuyển thẳng vào Đại học Đà Nẵng

Ngày 18-7, Đại học Đà Nẵng công bố kết quả xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển hệ chính quy vào các cơ sở giáo dục đại học thành viên và các đơn vị trực thuộc năm 2018. Cụ thể, có 65 thí sinh đoạt giải quốc gia được xét tuyển thẳng vào các trường:

Đại học Bách khoa (22 thí sinh), Đại học Kinh tế (13 thí sinh), Đại học Sư phạm (11 thí sinh), Đại học Ngoại ngữ (11 thí sinh), Khoa Y dược (8 thí sinh). Ngoài ra, có 35 thí sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và học sinh giỏi trường chuyên được xét tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm.

KIM NGÂN

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.