Điều trị tâm lý trẻ em cần đúng hướng

.

Bệnh tâm thần ở trẻ em biểu hiện dưới nhiều dạng, đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp tích cực giữa gia đình và nhân viên y tế.

Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hiện có 20 giường nhưng số lượng bệnh nhân đến điều trị luôn gấp đôi, lúc cao điểm có khi lên 50-60 trẻ mỗi ngày. Chị Nguyễn Thị D. (trú xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) dẫn con trai Trần Phước M. (6 tuổi) ra đây điều trị đã gần 6 tháng. Cháu M. bị động kinh, rối loạn chức năng nói, luôn khóc thét, lăn lộn mỗi khi không được đáp ứng nhu cầu.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đang điều trị cho một trẻ bị rối loạn tâm lý.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đang điều trị cho một trẻ bị rối loạn tâm lý.

hấy con đau ốm nên vợ chồng chị D. cứ thế chiều chuộng vô điều kiện để rồi vô tình khiến căn bệnh của con thêm nặng. Tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cháu M. được các bác sĩ tâm lý điều trị theo phương pháp tìm kiếm những hành vi thay thế.

Theo đó, khi M. giận dữ, khóc lóc ăn vạ, các nhân viên y tế lại tìm kiếm những trò chơi thay thế để “cắt cơn” cho cháu, thậm chí ngó lơ để chế ngự phần nào cơn bực tức trong người cháu. Sau thời gian được điều trị đúng phương pháp, đến nay, M. đã biết ngoan ngoãn nghe lời. Đến bữa ăn, cháu cùng các nhân viên tâm lý vừa học vừa chơi và bập bẹ phát âm những âm vần cơ bản như “ba”, “mẹ”, “cơm”.

Bữa ăn có khi kéo dài cả mấy giờ đồng hồ nhưng đổi lại đã vắng dần tiếng khóc ngặt nghẽo, những cơn vật vã, lăn lộn vì tâm lý ức chế. Nhập viện cùng đợt điều trị với M. là trường hợp cháu Lê Văn S. (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

Cháu S. bị chứng tự kỷ chậm nói, nhút nhát trong hành vi. Các nhân viên y tế phải rất cố gắng để giúp S. không rơi vào cảm giác sợ hãi, khóc ré, bởi nếu để xảy ra điều đó, mọi nỗ lực của bác sĩ và gia đình coi như thất bại.

Bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em cho biết, có nhiều dạng bệnh tâm thần ở trẻ như: thần kinh, rối loạn trầm cảm, lo âu, tự kỷ, chậm phát triển… Nhiều bậc phụ huynh vì thương con nên sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con hoặc chiều con nhưng đây là quan niệm sai lầm.

“Gia đình có thể đáp ứng vì tình thương con nhưng ngược lại, xã hội không thể đáp ứng được, điều này vô tình làm cho bệnh tình của trẻ trở nên nặng hơn. Nếu càng để lâu thì việc điều trị càng khó khăn và kém hiệu quả. Chứng rối loạn tâm thần ở trẻ cần được phát hiện, can thiệp sớm và chấp nhận điều trị cả đời”, bác sĩ Vân cho biết.

Việc điều trị tâm lý cho trẻ không chỉ nằm ở kiến thức chuyên môn mà rất cần sự đồng cảm, chia sẻ và thái độ giao tiếp của nhân viên, cán bộ y tế.

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, rối loạn tâm thần ở người trẻ đang có dấu hiệu gia tăng. Những năm qua, Bệnh viện Tâm thần còn phối hợp với các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, Sở GD&ĐT điều trị rối loạn tâm thần tại cộng đồng cho trẻ như: chương trình rèn luyện nâng cao kỹ năng học tập, giúp trẻ nhận biết và vượt qua căng thẳng (stress), chương trình tăng giao tiếp, tự tin cho thanh thiếu niên…

Đối với bậc tiểu học, mỗi đầu năm học mới, Bệnh viện Tâm thần triển khai khám sàng lọc học đường nhằm phát hiện những bệnh lý về tâm thần và đề xuất can thiệp hành vi. “Hiện nay, tâm lý học đường đang dẫn đến nhiều nguy cơ rối loạn ở người trẻ, một trong những nguyên nhân là sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh đối với việc học của con, thêm vào đó là chương trình giáo dục ngày càng nâng cao, khiến tâm lý học sinh căng thẳng.

Điều trị tâm thần và ổn định tâm lý cho trẻ cần sự phối hợp từ gia đình, xã hội và cơ sở y tế. Được như vậy, các liệu pháp tâm lý chúng tôi áp dụng mới đạt hiệu quả”, bác sĩ Trung cho biết thêm.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.