Đồng hành với con vào lớp 1

.

Trong giai đoạn chuyển bậc học, trẻ thường gặp khó khăn trong việc thích ứng với môi trường mới, nhất là từ bậc mầm non lên tiểu học - giai đoạn chủ yếu chơi sang học chữ, làm toán, tuân theo các nội quy...

Bố mẹ và thầy cô giáo cần giúp bé thích nghi với môi trường mới khi bước vào lớp 1. TRONG ẢNH: Trường tiểu học Núi Thành đón các bé vào lớp 1 trong lễ khai giảng năm học 2017-2018.
Bố mẹ và thầy cô giáo cần giúp bé thích nghi với môi trường mới khi bước vào lớp 1. TRONG ẢNH: Trường tiểu học Núi Thành đón các bé vào lớp 1 trong lễ khai giảng năm học 2017-2018.

Năm nay, bé Xúc Xích (tên gọi ở nhà) bước vào lớp 1, chị Mai Anh (nhân viên kế toán ở quận Hải Châu) rất lo lắng vì bé vốn nhút nhát và ít nói. “Tôi chỉ lo bé đi học sẽ không theo được các bạn vì bé chưa biết đọc, cũng chưa viết được. Trước đó, tôi đã cho bé đi học ở nhà một cô giáo đã nghỉ hưu, nhưng được vài buổi thì bé nhất định không chịu đi nữa và khóc đòi ở nhà”, chị Mai Anh tâm sự.

Còn với chị Ngọc Mai (công nhân may ở quận Thanh Khê), việc chuẩn bị cho con trai vào lớp 1 cũng khiến chị bận tâm mấy tháng nay. “Thấy con của bạn bè biết đọc, viết thành thạo mà tôi lo quá, không biết con mình có theo kịp chương trình không.

Hơn nữa, con tôi khá hiếu động, sợ rằng con sẽ trở thành học sinh “cá biệt” trong lớp. Tôi cũng lo ở bậc học mầm non con được chăm sóc rất kỹ, lên môi trường mới sẽ thích nghi thế nào đây, rồi hàng loạt thói quen của con buộc phải thay đổi như: dậy muộn, sinh hoạt không theo nội quy...”, chị Mai chia sẻ.

Trước sự lo lắng của phụ huynh, nhiều trường mầm non đã tổ chức mô hình lớp học cầu nối để giúp các con làm quen với môi trường mới, hình dung được những khác biệt khi chuyển cấp học. Đơn cử như Trường mầm non Hoa Ban, Trường mầm non Bé Thông Minh (quận Hải Châu), các cô giáo cho trẻ tham dự tiết chào cờ đầu tuần tại Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), sau đó thăm thư viện, phòng tin học, lớp học, khu vệ sinh...; đồng thời trẻ được giao lưu múa hát với các anh chị trong trường để vơi đi sự lạ lẫm. Các bé còn được nghe cô giáo nói sơ qua về nền nếp lớp học, giới thiệu sách vở, dụng cụ học tập khi vào lớp 1...

Trường mầm non Hoàng Cúc (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) còn tổ chức hội thảo “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1” với sự tham dự của các hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn phường cùng toàn thể phụ huynh trẻ 5 tuổi trong toàn trường.

Tại đây, các phụ huynh chia sẻ nỗi lo lắng khi con sắp bước vào lớp 1 và việc đầu tư cho con về thể lực, trí tuệ, giao tiếp, các kỹ năng cần thiết trong học tập và tự phục vụ khi bước chân vào môi trường mới như tự lập từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến chuyện vệ sinh...

TS Nguyễn Thị Trâm Anh, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đến trường cho các bé như: cho bé làm quen với ngôi trường mà bé sẽ học; kể cho bé những câu chuyện vui về trường học, những khó khăn trẻ sẽ phải đối diện, giúp con bộc lộ suy nghĩ, tình cảm trước những khó khăn đó và hướng cho con tới những ứng phó phù hợp.

Chẳng hạn, cho trẻ hình dung các tình huống bỡ ngỡ trước trường lớp mới và bạn mới; tình huống phải ngồi vào bàn trong 35 phút để nghe cô giảng bài... Ngoài ra, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con các kỹ năng chuẩn bị đến trường như: soạn sách vở; tự lấy quần áo và mặc quần áo; thói quen dậy sớm và các kỹ năng học tập ở tiểu học.

“Trẻ ở độ tuổi đến trường rất cần sự thấu hiểu, chăm sóc của bố mẹ, thầy cô để thích ứng với giai đoạn đầu, nếu không trẻ dễ dẫn đến các trạng thái căng thẳng, lo âu, sợ hãi đến trường...”, TS Trâm Anh cho hay.

Cũng theo TS Trâm Anh, mặc dù giai đoạn 6 tuổi, trí não trẻ phát triển hơn nhưng không nên tạo áp lực học hành khiến trẻ bị căng thẳng, lo sợ dẫn đến chán nản trong học tập. Thay vì bắt ép, hãy cho con làm quen dần với con số, mặt chữ; đồng thời sự cởi mở, nhẹ nhàng của cô giáo cũng sẽ giúp bé hòa nhập nhanh hơn.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.