Ngành giáo dục thành phố đã và đang triển khai xây dựng thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến ở các trường học nhằm tạo thói quen đọc sách cho học sinh.
Giờ ra chơi, học sinh Trường tiểu học Phù Đổng lại đến thư viện để đọc sách. |
Những năm qua, thành phố đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, mua sắm tủ sách mở, sách bổ sung cho thư viện các đơn vị, trường học. Giờ ra chơi của Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) rất nhộn nhịp không chỉ trên sân trường mà ở cả thư viện.
Em Võ Trần Thảo Anh (học sinh lớp 5/6) cho biết, em thường cùng các bạn vào thư viện đọc sách. Các em chọn truyện cổ tích, sách lịch sử, sách về biển, đảo. “Đọc sách giúp em giải trí đầu óc. Em thích đọc sách lịch sử, sách về chủ quyền biển, đảo để hiểu hơn về quê hương, đất nước”, Thảo Anh nói.
Em Lê Nữ Đông Nghi (học sinh lớp 4/1) cũng thường đến thư viện của trường đọc sách vào giờ ra chơi hoặc lúc chờ ba mẹ đến đón sau giờ tan học. Không chỉ đọc sách, em còn khuyến khích các bạn trong lớp cùng tìm đến sách.
Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng cho hay, việc xây dựng thư viện trường học theo quy định của Bộ GD&ĐT được nhà trường triển khai từ lâu. Tuy nhiên, trước đây, thư viện đặt ở tầng 3 nên hiệu quả không cao, không thu hút học sinh.
Từ năm học 2018-2019, với việc xã hội hóa, tại cơ sở chính, nhà trường xây dựng thư viện hơn 200m2 ngay ở tầng một và một thư viện trên 100m2 ở cơ sở 2. Không gian rộng, nhiều loại sách, việc quản lý thư viện bằng hệ thống điện tử giúp học sinh, giáo viên dễ dàng tìm loại sách phù hợp.
“Với mong muốn giúp các em đam mê đọc sách, nhà trường từng bước đầu tư thư viện hiện đại với nhiều loại sách. Nhà trường đang tiến tới xây dựng thư viện thân thiện nhằm tạo không gian thoáng đãng, hấp dẫn học sinh”, cô Nhã Trúc chia sẻ.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, 100% trường trên địa bàn quận có thư viện. Trong đó, nhiều trường đạt “Thư viện tiên tiến” và phấn đấu xây dựng “Thư viện xuất sắc”. “Việc xây dựng thư viện trường học nhằm phát huy văn hóa đọc trong giáo viên và học sinh, xây dựng môi trường văn hóa học đường; là nơi sinh hoạt văn hóa của nhà trường, từ đó hình thành nếp đọc sách, nghiên cứu trong giáo viên và học sinh, góp phần hình thành ý thức tự học, tự rèn luyện trong mỗi người”, bà Hà cho biết.
Nhiều trường học trên địa bàn quận Liên Chiểu cũng đang phát huy hiệu quả thư viện trường học. Thư viện của Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi rộng hơn 100m2, với gần 10.000 đầu sách các loại được xếp theo từng chủ đề.
Thầy Nguyễn Văn Dũng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, giáo viên được nhà trường đặc biệt quan tâm. Do đó, với sự hỗ trợ của các cấp cũng như ngành giáo dục quận, nhà trường đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng thư viện khang trang, sạch đẹp, tạo cảm hứng cho người đọc.
“Năm học này, lượng học sinh đến thư viện khá nhiều. Giờ ra chơi, nhiều em tìm đến thư viện để thỏa niềm đam mê đọc sách. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức “Tiết học thư viện”, kể chuyện theo sách, hội sách...”, thầy Dũng chia sẻ. Không chỉ xây dựng thư viện, nhà trường còn trang bị “Góc học tập” tại mỗi lớp học để giúp các em có thêm điều kiện đọc sách. Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đang phấn đấu xây dựng “Thư viện xuất sắc”; đồng thời đầu tư kinh phí để xây dựng thêm “Thư viện thân thiện”.
Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, thời gian qua, nhờ sự quan tâm, đầu tư của UBND quận, việc xây dựng thư viện trường học, thư viện tiên tiến của các trường THCS, tiểu học trên địa bàn quận được thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Các thư viện trang bị đầu sách đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh.
“Thời gian đến, Phòng chỉ đạo các trường tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thư viện theo tiêu chuẩn “tiên tiến” và “xuất sắc”. Trong đó, chú trọng hơn nữa “Tiết học thư viện” giúp sự tương tác giữa giáo viên và học sinh ngày càng tốt hơn. Mục đích cao nhất là tạo văn hóa đọc cho học sinh trên toàn địa bàn”, bà Lữ Thị Kim Hoa cho hay.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ