Đến hè lại... lo

.

Năm học kết thúc, trong khi con trẻ thích thú vui chơi thì phụ huynh lại băn khoăn, lo lắng khi không biết làm gì với quỹ thời gian khá dài của con em mình...

Những sân chơi cho trẻ như thế này vẫn còn thiếu.Ảnh: THANH VÂN
Những sân chơi cho trẻ như thế này vẫn còn thiếu.Ảnh: THANH VÂN

So với bậc học phổ thông thì bậc học mầm non, mẫu giáo nghỉ hè muộn hơn và cũng bắt đầu sớm hơn. Tuy nhiên, với hầu hết phụ huynh, việc nghỉ muộn học sớm này cũng chưa thể giúp được gì nhiều vì họ không biết “đặt” con ở đâu trong khoảng thời gian này. Mới đây, đến Trường mầm non Sơn Ca (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà), chị Lê Thị Thuận khá vui mừng khi biết thông tin kỳ nghỉ của con là... 4 ngày. Chị tâm sự: “Nếu trường chỉ nghỉ 4 ngày để vào kỳ học mới thì thuận lợi cho vợ chồng tôi quá. Tôi làm việc ở ban quản lý chợ, chồng công tác tại Vùng 3 Hải quân. Nếu con nghỉ khoảng trên 1 tuần, vợ chồng tôi không biết làm sao khi không có người thân để gửi nhờ...”.

Cũng chính vì không biết gửi con ở đâu mà hè năm 2018, chị L.T.T.D (điều dưỡng ở Bệnh viện Đà Nẵng) đã “liều” để con nhỏ 8 tuổi ở nhà một mình. Chồng chị là bộ đội, đóng quân ở Gia Lai nên cũng không thể trợ giúp. Đến giờ, mỗi khi nhớ lại, chị vẫn còn bàng hoàng: “Lúc đó tầm 10 giờ sáng, chị hàng xóm điện thoại báo phải về nhà gấp vì đầu con tôi chảy máu. Tôi hốt hoảng chạy về, may mà cháu chỉ bị trầy xước nhẹ phần da bên ngoài, chỉ cần vệ sinh và uống thuốc kháng sinh chứ không phải đi bệnh viện!”.

Vợ chồng anh Trần Thanh Tâm (công nhân Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng) cũng chọn cách cho hai con ở nhà nhưng kèm theo điện thoại kết nối Internet. Thấy các con khá “ngoan” trong thời gian ba mẹ đi làm, anh chị phần nào yên tâm. Đến tháng thứ 2, anh chị mới phát hiện con nghiện game nặng; phải được sử dụng điện thoại thì mới chịu ăn và tắm rửa. Hết cách, anh chị đành chia hai đứa con gửi về nội và ngoại ở Thăng Bình, Quảng Nam.

Xuất phát từ thực tế này, nhiều năm qua, thành phố đã cố gắng tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, tránh tình trạng các em nhiễm thói hư tật xấu hoặc tham gia các trò chơi dễ xảy ra tai nạn. Đơn cử, ngành giáo dục mở cổng trường học trong 3 tháng hè để học sinh có sân chơi an toàn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của học sinh cũng như phụ huynh. Ngành giáo dục cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động hè cho các em, như: dạy bơi, các lớp học nghệ thuật, thể dục...

Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, sân trường thưa vắng dần bởi ngoài không gian tương đối rộng rãi thì không có gì thu hút học sinh ở chơi cả ngày. Tương tự, Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức nhiều chương trình sôi nổi, như: trại hè chuyên đề; CLB sinh hoạt thiện nguyện; cuộc thi năng khiếu, thể thao... Thực tế, các hoạt động này thường chỉ sôi nổi ở những ngày đầu hè, hoặc dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và dần hụt hơi, vắng bóng học sinh.

Có thể thấy, đó là tình cảnh chung dù phụ huynh, các địa phương, tổ chức đoàn thể đã có nhiều nỗ lực nhằm mang lại kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn cho học sinh. Cũng chính vì điều này, không ít phụ huynh và học sinh đành lựa chọn phương án đi học thêm. Điều đó cũng có nghĩa học sinh không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn. Bài toán này đến nay vẫn chưa có lời giải hợp lý. Thiết nghĩ, ngành giáo dục có thể chia nhỏ kỳ học và xen kẽ các kỳ nghỉ ngắn ngày để học sinh có thể thoải mái nghỉ ngơi như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công. Còn nếu không, cứ đến hè, phụ huynh lại... lo!

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.