Mất cân bằng trong lựa chọn ngành học

.

Kết quả xét tuyển đợt 1 của nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố cho thấy, các khối ngành dịch vụ, công nghệ thông tin tiếp tục thu hút lượng lớn thí sinh, trong khi một số ngành tuyển sinh khá chật vật...

Hướng dẫn sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).
Hướng dẫn sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).

Bảo đảm chất lượng đầu vào

Năm học 2019 - 2020, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng có 17 ngành, trong đó các ngành có điểm trúng tuyển tăng cao so với năm 2018 như: Kinh doanh quốc tế với 24 điểm (tăng 2,75 điểm); Quản trị khách sạn với 23 điểm (tăng 2,75 điểm); Marketing với 22,75 điểm (tăng 3 điểm). Đây cũng là những ngành tuyển sinh đủ và vượt chỉ tiêu đề ra. Kết thúc tuyển sinh đợt 1, tổng số thí sinh nhập học tại trường hơn 2.900 sinh viên, đạt 100% chỉ tiêu nên trường sẽ không xét tuyển những đợt sau.

Tương tự, Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng, đạt gần 90% tổng chỉ tiêu (3.180 chỉ tiêu). Các ngành đạt chỉ tiêu từ 90-95% thuộc ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, ngành Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật cơ khí… Trong khi đó, một số ngành chỉ đạt 50-60% chỉ tiêu như: Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông… Trường Đại học Bách khoa cũng không xét tuyển đợt sau với quan điểm bảo đảm chất lượng đầu vào.
Cũng theo xu hướng chung, đối với các trường đại học dân lập trên địa bàn thành phố, ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị du lịch, ngôn ngữ tiếng Anh, Trung… vẫn hút thí sinh.

Trường Đại học Đông Á, đến thời điểm hiện tại đạt 87,4% chỉ tiêu tuyển sinh 2019 (2.860 chỉ tiêu); các ngành thu hút thí sinh là Công nghệ kỹ thuật ô-tô, Quản trị khách sạn - nhà hàng, Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, Công nghệ thông tin... Các ngành ít thí sinh đăng ký thuộc về lĩnh vực xây dựng, quản trị văn phòng…

Theo phân tích của PGS.TS. Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, năm nay một số ngành của trường có điểm trúng tuyển tăng cao so với năm 2018. Đây là những ngành mà xã hội đang có nhu cầu cao và có nhiều người học muốn học. Trong các ngành này, ngành Kinh doanh quốc tế (trước gọi là Ngoại thương) vốn là ngành được nhiều sinh viên yêu thích nên điểm chuẩn đầu vào có truyền thống luôn trong nhóm tốp đầu của trường. Đối với ngành Quản trị khách sạn và Marketing, nhu cầu người học tăng nhanh trong thời gian gần đây do nhu cầu xã hội tăng cao, vì vậy, điểm chuẩn cũng có xu hướng tăng lên.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa cho rằng, trước mùa tuyển sinh 2019, một số ngành nghề được dự đoán dẫn đầu xu thế trong thời đại phát triển 4.0 gồm: công nghệ thông tin, du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn... Vì vậy, việc các ngành này thu hút đầu vào khá lớn là đương nhiên.

Trong khi đó, nhiều nhóm ngành, đặc biệt ngành xã hội, của một số trường rất khó tuyển sinh. Theo kết quả tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, có 8/39 ngành vượt chỉ tiêu, đó là các ngành Giáo dục tiểu học, Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học...; có hơn 20 ngành đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó một số ngành đạt khá thấp như: Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Tin học và Công nghệ tiểu học, Hóa học chất lượng cao, Quản trị tài nguyên môi trường chất lượng cao, Sư phạm Lịch sử, Địa lý... Tổng số lượng tuyển sinh đợt 1 dự kiến 1.500, so với chỉ tiêu 2.885 thì nhà trường đạt 52%.

Cần định hướng nghề nghiệp phù hợp

Ông Phan Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm cho biết, cũng như các nhóm ngành sư phạm cả nước, việc tuyển sinh của trường không dễ dàng bởi xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh vẫn hướng đến các nhóm ngành “hot”, dễ kiếm việc làm... Với một số ngành, số lượng trúng tuyển ít, nhà trường sẽ xem xét để sinh viên chuyển sang ngành học có tính chất tương đồng, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

Phân tích thêm về việc mất cân bằng giữa các ngành, PGS.TS Hồng Hải cho rằng, cần xem xét lại định hướng xã hội, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Việc chạy theo các ngành được xem là “hot” như hiện nay dễ dẫn đến trường hợp thừa nguồn nhân lực trong tương lai trong khi các ngành khác lại thiếu hụt.

Dẫn chứng các nhóm ngành xây dựng của trường gần đây khó tuyển sinh nhưng PGS.TS Hồng Hải cho biết nhu cầu thực tế của các ngành này rất cao, nhiều doanh nghiệp đặt hàng nhưng không có sinh viên để giới thiệu. Năm 2019, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực trong xu thế mới, trường mở thêm hai ngành mới là Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (60 chỉ tiêu) và Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (120 chỉ tiêu). Hiện 2 ngành mới cũng đạt 60% chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp là ngành tích hợp nhiều chuyên ngành như cơ khí, điện, quản lý công nghiệp; Ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng nằm trong nhóm ngành xây dựng, rất phù hợp trong bối cảnh phát triển của đô thị hiện nay.

“Các cuộc cách mạng công nghiệp mang đến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong lực lượng lao động ở tất cả mọi lĩnh vực. Việc chọn ngành nghề theo xu hướng thị trường là không tránh khỏi. Tuy nhiên, xã hội, nhà trường, gia đình cần có những định hướng phù hợp cho con cái về nghề nghiệp, phát huy sở trường, sở thích để chọn đúng ngành”, PGS.TS Hồng Hải chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.