Thời gian qua, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) không ngừng khẳng định sứ mệnh của một đại học vùng “thực hiện nhiệm vụ quốc gia, chiến lược phát triển vùng cho đất nước”, trong đó, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đã và đang đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết những vấn đề cấp thiết cho sự phát triển của các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.
Kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế (AUN-QA). |
Gắn nghiên cứu với ứng dụng, chuyển giao
Tháng 10 vừa qua, ĐHĐN hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh “hợp sức” đóng góp vì sự phát triển vùng và đất nước. PGS.TS Nguyễn Lê Hùng, Trưởng ban Ban KHCN và Môi trường ĐHĐN chia sẻ, các đề tài, sản phẩm KHCN, phát minh sáng chế hay giải pháp hữu ích của ĐHĐN trải rộng hầu hết các lĩnh vực then chốt, ở trình độ cao, có sự kết nối liên ngành như: Kỹ thuật-công nghệ; kinh tế-quản trị kinh doanh; khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên-xã hội và nhân văn; y dược; ngôn ngữ và văn hóa... Dấu ấn đổi mới không chỉ dừng lại, bó hẹp hoạt động KHCN trong các trường thành viên và đại học đối tác mà ĐHĐN chuyển hướng mạnh mẽ, ký kết, triển khai hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp như: Sở KHCN thành phố Đà Nẵng, Khu công nghệ cao Đà Nẵng...
Trong các lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ, PGS.TS. Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN nhấn mạnh vai trò của hợp tác nhà trường-doanh nghiệp thực sự đem lại hiệu quả, qua đó, nhà trường nắm bắt được nhu cầu đổi mới doanh nghiệp, có thêm nhiều ý tưởng, đề tài và nguồn lực, doanh nghiệp có thêm “chất xám” từ nguồn nhân lực trình độ cao để đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, quảng bá thương hiệu và chủ động nguồn nhân lực. “Nhiều doanh nghiệp uy tín như Viettel, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn, Điện lực miền Trung, BOSH, FPT... đã đồng hành, hỗ trợ trang thiết bị, xây dựng các phòng thí nghiệm công nghệ cao ngay tại trường”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh nói.
Hoạt động KHCN trong các lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ của ĐHĐN đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trong nhiều lĩnh vực như: Năng lượng mới (ứng dụng biogas, tận dụng các nguồn nhiên liệu phế thải, ứng dụng năng lượng mặt trời, điện gió...); công nghệ nano (vật liệu, sản phẩm nano phục vụ nhiều lĩnh vực như dầu khí); công nghệ sinh học (nuôi trồng, phát triển dược phẩm, cây trồng nhờ công nghệ gen, vi sinh...); robot, thiết bị điều khiển tự động (dây chuyền robot hàn tự động xe tải ứng dụng tại Tập đoàn Ô-tô Trường Hải); công nghệ tiên tiến trong xây dựng, giao thông (xây cầu Sông Hàn, quan trắc cầu Thuận Phước)...
Trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, vai trò “hạt nhân” của ĐHĐN thể hiện ngày càng rõ nét với nhiều đề tài KHCN cấp Nhà nước, cấp bộ trọng điểm và cấp tỉnh, thành phân tích, đánh giá nhận diện để dự báo biến động kinh tế-xã hội; kịp thời đề xuất giải pháp, xây dựng, phản biện chiến lược, chính sách, phát triển của các địa phương và doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-ĐHĐN, nhà trường đã và đang hợp tác với nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam nghiên cứu, giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp thiết như: Phát triển khu vực FDI trong chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân); tác động của Hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế Việt Nam (phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội); chuyển đổi mô hình và tái cấu trúc nền kinh tế vùng Tây Nguyên (phối hợp với Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum và Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên)...
Tổ chức nhiều sự kiện khoa học và công bố quốc tế
Theo PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐHĐN, chiến lược phát triển KHCN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, ĐHĐN tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học “đầu đàn”, triển khai hiệu quả mô hình “Quỹ phát triển KHCN” (dùng chung nguồn lực), hình thành cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. ĐHĐN chú trọng phát huy tiềm lực đội ngũ cán bộ, giảng viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài để hình thành thêm những đơn vị nòng cốt như: Viện Công nghệ quốc tế (hợp tác với Trường Đại học Nice Sophia Antipolis, Cộng hòa Pháp); Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (hợp tác với Trường Đại học Aston, Vương quốc Anh); Trung tâm Phát triển phần mềm-ĐHĐN (hợp tác với Tập đoàn Microsoft, Tập đoàn Vietel) hay “Không gian sáng chế” (hợp tác với ĐH Arizona, Hoa Kỳ)...
Nhờ có bề dày truyền thống hợp tác quốc tế với hơn 200 trường ĐH, tổ chức khoa học, giáo dục và doanh nghiệp khắp thế giới (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Canada, Úc, ASEAN...), nhiều năm qua, ĐHĐN đã đăng cai, chủ trì tổ chức hàng trăm sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, nổi bật như: Hội nghị quốc tế về môi trường toàn cầu khu vực Đông Dương, hội thảo quốc tế Phát triển giao thông đô thị bền vững, Diễn đàn “Tiếng nói tương lai” đóng góp vào thành công của “Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam-2017” tại Đà Nẵng, hội thảo quốc tế về tầm nhìn và hành động cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam...
Các trường thành viên cũng chủ động, tích cực tổ chức nhiều hội nghị quốc tế trong các lĩnh vực chuyên sâu như: Hội nghị quốc tế về Tài nguyên nước và kỹ thuật ven bờ (Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN), hội thảo quốc tế về Kế toán-tài chính, hội thảo quốc tế về Tài chính, hội thảo quốc tế về Marketing trong kỷ nguyên kết nối (Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN), hội nghị quốc tế về Kỹ nghệ tri thức và hệ thống (Trường Đại học Sư phạm-ĐHĐN), hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ (Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN)...
Từ thành công của các sự kiện, hội nghị khoa học quốc tế, uy tín, học hiệu của ĐHĐN ngày càng tăng lên, lan tỏa, khẳng định vai trò là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như: AUF, AUN, ASEA-UNINET... Dấu ấn nổi bật trong hoạt động KHCN của ĐHĐN thể hiện rõ khi năm học 2018-2019 vừa qua, ĐHĐN được Bộ GD-ĐT đánh giá là đại học có số công bố khoa học quốc tế của cán bộ, giảng viên tăng nhanh nhất trong cả nước (tăng 35% so với năm 2017) và xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng bài báo được khen thưởng. Số tác giả được UBND thành phố Đà Nẵng khen thưởng vì có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc năm 2018 của ĐHĐN chiếm 55% số lượng của toàn thành phố, 10/11 giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của thành phố Đà Nẵng năm 2018 cũng thuộc về sinh viên ĐHĐN cùng các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên nghiên cứu khoa học đã xuất sắc đạt nhiều giải thưởng khu vực, quốc gia và quốc tế...
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐHĐN khẳng định: Với sứ mệnh đóng góp phát triển vùng và đất nước và chiến lược phát triển bền vững theo định hướng ĐH nghiên cứu, ĐHĐN quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực sự xứng tầm một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia, có uy tín trong khu vực và thế giới, đồng thời phấn đấu đồng hành cùng thành phố thực hiện thành công Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và là trung tâm của các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn.
- Bình quân mỗi năm ĐHĐN thực hiện 10 đề tài, chương trình KHCN cấp Nhà nước, 20 đề tài cấp bộ trọng điểm và cấp tỉnh, thành, 100 đề tài cấp ĐHĐN (tương đương cấp bộ) với tổng kinh phí 20 tỷ đồng; - Chuyển giao ứng dụng cho các địa phương, doanh nghiệp hơn 50 tỷ đồng/năm; - Hợp tác nghiên cứu 8-10 dự án quốc tế (2016-2018) với tổng giá trị 6 triệu euro. |
Bài và ảnh: KIM NGÂN