Nhiều sáng kiến chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong trường học

.

Thay vì chặt hạ cây xanh, một số trường học ở Nghệ An, Đà Nẵng đã có sáng kiến chăm sóc và bảo vệ các loài cây trong sân trường để giữ bóng mát, nhất là trong thời điểm nắng nóng gay gắt.

Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An bảo vệ cây phượng trong sân trường. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An bảo vệ cây phượng trong sân trường. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Nhằm tạo môi trường xanh trong khuôn viên trường học, một số trường học tại Nghệ An đã có sáng kiến trong chăm sóc và bảo vệ cây xanh, nhất là trong thời điểm nắng nóng gay gắt.

Là ngôi trường có bề dày lịch sử lâu năm, Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn (Nghệ An) có khuôn viên xanh, nhiều bóng mát với đa dạng nhiều loại cây.

Cùng với bóng mát của những cây xà cừ cổ thụ hay cây bàng, hàng cây phượng hơn 10 năm tuổi nở đỏ rực giữa những ngày Hè tạo nên một khung cảnh bắt mắt trong khuôn viên trường.

Để có được bóng mát cho học sinh, nhiều năm qua, việc chăm sóc và giữ gìn "lá phổi xanh" trong khuôn viên trường luôn được các thầy cô Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2 chú trọng.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi vui chơi dưới những tán cây phượng, trường đã "mặc" cho những cây phượng "tấm áo sắt" rất kiên cố.

Bao quanh thân các cây phượng là một vòng sắt hàn chặt với 4 trụ đỡ cao từ 2-3 m. Trụ sắt sẽ giúp cây phượng có thể đứng vững và hạn chế nguy cơ gãy đổ, gây ra những tai nạn không mong muốn.

Với cách bảo vệ này, nhiều năm qua, dù trong mùa mưa bão, những cây phượng trong trường vẫn phát triển bình thường, không xảy ra tình trạng nghiêng ngả.

Mỗi dịp Hè, hàng cây phượng lại nở hoa đỏ rực, tỏa bóng mát, gắn liền với bao kỷ niệm của nhiều thế hệ học trò.

Thầy Lê Văn Quyền, Hiệu phó Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2 cho biết để trồng lớn được một gốc cây trong trường tạo bóng mát cho học sinh là một việc cần nhiều thời gian và công sức.

Trước đây, nhà trường thường làm cột chống bằng gỗ để bảo vệ cây và ứng phó với mùa mưa bão. Tuy nhiên, do cột gỗ không bền vững nên từ năm 2018, nhà trường đã đầu tư làm khung sắt quanh các cây phượng để tăng độ an toàn. Thực tế cho thấy, cách làm này đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt, trong thời tiết mưa bão cũng không bị đổ gãy.

Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An bảo vệ cây phượng trong sân trường. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An bảo vệ cây phượng trong sân trường. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

 Để chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh trong trường, nhà trường đã phân công các nhân viên bảo vệ hàng ngày tưới nước, bón phân... Định kỳ 2 tháng/lần, nhà trường sẽ thuê nhân viên công ty cây xanh đến khảo sát, cắt, tỉa cành. Riêng với cây cổ thụ, phía công ty cây xanh sẽ khảo sát để đưa ra phương án cây nào cần hạ độ cao, cây nào cần tỉa cành, cây nào sâu mục cần thay thế vào trước mùa mưa bão.

Tại Trường Đại học Vinh, việc bảo vệ cây xanh bằng khung sắt để chống gãy đổ cũng được triển khai từ nhiều năm nay.

Em Phạm Thị Yến Nhi, sinh viên Khoa Kinh tế, Đại học Vinh, chia sẻ: "Mùa Hè, được đi học dưới tán cây xanh râm mát giúp em xua tan đi mệt mỏi, nhất là vào những ngày thi cử căng thẳng. Ngoài ra, cây phượng luôn gắn liền với kỷ niệm của tuổi học trò nên việc thực hiện các giải pháp phù hợp vừa bảo vệ an toàn cho học sinh trong trường, vừa bảo vệ cây phượng là rất cần thiết."

Thời gian qua, dù đang ở thời điểm nắng nóng gay gắt đầu mùa Hè nhưng một số trường học ở Nghệ An đã chặt cây trong khuôn viên trường học sau sự cố cây phượng bật gốc tại một trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn cử như Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 2, huyện Nghi Lộc, đã chặt bỏ trơ trụi hết các cành lá hai cây xà cừ có tuổi đời hàng chục năm khiến nhiều thế hệ học sinh và giáo viên tiếc nuối.

Hay tại Trường mầm non Hoa Sen, phường Hưng Bình (thành phố Vinh), các phụ huynh cũng bất ngờ khi hai cây phượng vĩ xanh tốt trước cổng trường bị chặt hạ, thay vào đó là hai cây xanh vừa được trồng mới, chưa có cành lá.

Hiện tỉnh Nghệ An đang bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nền nhiệt phổ biến từ 37-40 độ C. Việc các trường học cắt tỉa, thay thế cây xanh trong điều kiện thời tiết nắng nóng làm giảm mật độ cây xanh, bóng mát cho học sinh; đồng thời gây ra nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận về sự cần thiết phải chặt trơ trụi cây xanh thay vì triển khai các giải pháp bảo vệ.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết Sở đã có văn bản định hướng các trường học chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên trường; xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt.

Sở cũng lưu ý các trường phải cân nhắc trước khi chặt cây, không chặt cây một cách đồng loạt, máy móc làm ảnh hưởng đến không gian xanh, môi trường thân thiện của các nhà trường.

Một số trường học nóng vội, chặt cây lâu năm trong trường khi chưa có khảo sát đánh giá, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của ngành cũng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trực tiếp đến làm việc, đề nghị nhà trường rút kinh nghiệm và sớm có giải pháp để lựa chọn cây trồng thay thế hợp lý trong khuôn viên sân trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu các trường học trong quá trình triển khai phải rà soát và chỉ xử lý những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt, gây mất an toàn.

Riêng với những cây lâu năm, Sở yêu cầu các trường học cẩn trọng trong việc cắt tỉa cành, nhánh cây, cắt bỏ những nhánh mục, hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy đổ có thể gây tai nạn; việc chặt bỏ cây xanh để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhưng cần có tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn, tránh tình trạng chặt cây bừa bãi.

Tại Đà Nẵng, để những ký ức tuổi học trò được lưu lại đẹp hơn, Trường Trung học phổ thông Hòa Vang (quận Cẩm Lệ) đã tìm cách giữ và chăm sóc tốt hai cây phượng được trồng đối xứng trong sân trường, cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh. Đây là hai cây phượng có tuổi đời xấp xỉ 60 năm. Thân cây to vững chãi, vỏ xù xì, tán cây xanh tốt, vươn rộng tỏa bóng mát.

Với cô giáo Hồ Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòa Vang, hai cây phượng cổ thụ của trường đã in dấu những kỷ niệm của quãng đời học sinh và thời gian công tác của cô tại trường. Trong ký ức của cô Thanh, mùa hoa phượng nở, đám học trò như rạo rực, háo hức trước màu hoa như lửa đỏ cả sân trường.

Cô Thanh chia sẻ: “Hai cây phượng này đã đi qua bao thăng trầm của nhiều lớp thế hệ học sinh trường Hòa Vang. Nó được xem như là biểu tượng, là linh hồn của trường. Mỗi lần tựu trường, các cựu học sinh đều đến bên cây phượng để chụp hình, ngồi lặng dưới tán cây nhớ lại tuổi học trò của mình. Trải qua bao nhiêu thế hệ học sinh, nhiều thứ thay đổi nhưng cây phượng vẫn vậy, vẫn sừng sững vươn mình, khoe sắc đỏ tươi lúc vào hạ."

Hai cây phượng lâu năm ở Trường THPT Hòa Vang được trường chống đỡ bằng ống sắt, đảm bảo cây không bị gãy. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Hai cây phượng lâu năm ở Trường THPT Hòa Vang được trường chống đỡ bằng ống sắt, đảm bảo cây không bị gãy. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Khi có sự cố bật gốc phượng khiến nhiều em học sinh bị thương ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi đến các trường đề nghị rà soát, kiểm tra các cây lâu năm để xử lý, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trường Trung học phổ thông Hòa Vang không chọn phương án chặt bỏ hai cây phượng mà giữ lại nhưng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.

“Nhà trường trước đây đã có ý định gia cố, bảo vệ hai cây phượng nhưng sau khi nhận được thông tin về sự việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, trường đã họp để ra quyết định nên bỏ hay giữ lại. Cuối cùng, tôi và các thầy, cô trong trường đều đồng thuận phải giữ lại. Cũng vào thời gian này, nhiều bạn bè đồng trang lứa, cựu học sinh của trường thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho tôi với hy vọng nhà trường có thể giữ lại hai cây phượng," cô Thanh tâm sự.

Ngay sau khi đưa ra quyết định giữ hai cây phượng vỹ, Trường Hòa Vang đã nhờ sự giúp đỡ của các cựu học sinh có chuyên môn về cây cảnh, kiểm tra tình trạng và lên phương án bảo vệ cây, đảm bảo an toàn cho học sinh ở trường. Hai cây phượng nhanh chóng được gia cố giá đỡ làm bằng ống sắt, mỗi cành vươn ra có nguy cơ gãy đều được che chắn, chống đỡ, gắn chặt với cây bên cạnh. Trường đảm bảo giữ lại cây đi đôi với việc bảo vệ và đảm bảo tuyệt đối an toàn.

"Hai cây phượng là sức mạnh tinh thần, gắn kết mọi thế hệ học sinh trong trường. Nhớ về trường là nghĩ đến hai cây phượng - nơi lưu giữ những kỷ niệm khó quên tuổi học trò. Sắp tới các cựu học sinh lại trở về trường, họ lại thêm một lần nữa được chụp hình và ôn lại ký ức học trò dưới tán hai cây phượng này.” cô Thanh cho biết.

Tương tự cách làm này, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đã không chặt bỏ cây trong sân trường mà thực hiện chăm sóc và giữ cây.

Thầy Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho hay để trồng được một cây xanh trong trường thì ít nhất phải trải qua 5 năm cây mới cho bóng mát, để có bóng mát tốt phải mất từ 10-20 năm. Hơn nữa, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh vẫn phải tới trường học đến giữa tháng Bảy, thời tiết hiện nay đang nắng gay gắt, nếu cứ theo trào lưu cắt, tỉa trụi hàng loạt cây xanh sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học sinh và cảnh quan môi trường.

Thay vì cưa hết cây xanh thì các trường nên tìm đến các công ty cây xanh để được tư vấn và chăm sóc định kỳ./.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích