Đại học Đà Nẵng: Dành chỉ tiêu thích hợp, linh hoạt trong tuyển sinh

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng về phương án tuyển sinh trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, Đại học Đà Nẵng sẽ dành chỉ tiêu thích hợp để tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT đối với thí sinh thuộc những địa phương không thi được trong đợt này.

Thí sinh Đà Nẵng sẽ tham gia kỳ thi đợt 2. Ảnh: N.P
Thí sinh Đà Nẵng sẽ tham gia kỳ thi đợt 2. Ảnh: N.P

* Là Giám đốc Đại học Đà Nẵng - Đại học Vùng nằm ở vùng dịch đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông có ý kiến gì về phương án thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt của Bộ GD-ĐT?

- Trong điều kiện hiện nay, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT thành 2 đợt hoàn toàn phù hợp, ưu tiên hàng đầu là sức khỏe và an toàn của người dân. Đây là giải pháp rất linh hoạt, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của bộ đối với ngành trong những tình huống bất khả kháng. Mặt khác, việc quyết định vẫn tổ chức kỳ thi trong điều kiện hiện nay đã thể hiện được trách nhiệm của bộ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của đông đảo thí sinh cũng như bảo đảm chất lượng nguồn tuyển đối với các cơ sở đào tạo. Một số địa phương Covid-19 đang bùng phát trở lại như Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ hoãn thi đợt này và sẽ tổ chức thi đợt 2 vào thời gian thích hợp khi điều kiện cho phép là hoàn toàn phù hợp với thực tế tình hình.

* Khi kỳ thi THPT tổ chức thành 2 đợt, phương án tuyển sinh của Đại học Đà Nẵng như thế nào để các em yên tâm khi tham gia xét tuyển vào đại học?

- Đại học Đà Nẵng đã xây dựng đề án tuyển sinh vào Đại học Đà Nẵng năm 2020 dựa trên 4 phương thức xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và đề án tuyển sinh của từng trường thành viên; xét học bạ; dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực (do Đại học Đà Nẵng phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức). Ngay từ đầu, khi Covid-19 bùng phát, học sinh và sinh viên phải nghỉ học thì Đại học Đà Nẵng đã tính đến khả năng ưu tiên phương thức xét học bạ để tạo điều kiện cho thí sinh và bảo đảm sự chủ động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

Là đại học Vùng trọng điểm quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành, với 6 trường đại học thành viên gồm: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn cùng 6 đơn vị đào tạo trực thuộc gồm: Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Đào tạo Quốc tế, với hơn 140 ngành, chuyên ngành đào tạo đại học và quy mô tuyển sinh bình quân mỗi năm hơn 11.000 chỉ tiêu, Đại học Đà Nẵng hoàn toàn đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu về ngành nghề của học sinh.

* Như mọi năm, tỷ lệ đăng ký của thí sinh Đà Nẵng và Quảng Nam luôn chiếm tỷ lệ lớn vào Đại học Đà Nẵng. Vậy, Đại học Đà Nẵng có kiến nghị gì với Bộ GD-ĐT trong công tác tuyển sinh?

- Theo thống kê, ước tính mỗi năm thí sinh của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chiếm khoảng 50% tổng số thí sinh nhập học của Đại học Đà Nẵng. Do số lượng thí sinh thuộc các địa phương có dịch chiếm tỷ lệ lớn vào trường thành viên Đại học Đà Nẵng nên để chủ động kế hoạch tuyển sinh năm nay và tạo tâm lý yên tâm đối với thí sinh và phụ huynh, Đại học Đà Nẵng có đề nghị như sau:

Cho phép Đại học Đà Nẵng được xét trúng tuyển có điều kiện bằng phương thức xét học bạ đối với thí sinh không thể thi tốt nghiệp được trong đợt này. Nghĩa là những thí sinh trúng tuyển bằng xét học bạ nhưng chưa tốt nghiệp THPT thì được công nhận trúng tuyển tạm thời, khi thí sinh có chứng nhận tốt nghiệp sẽ được công nhận trúng tuyển chính thức.

Đại học Đà Nẵng sẽ dành chỉ tiêu thích hợp để tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT đối với thí sinh thuộc những địa phương không thi được trong đợt này. Trong trường hợp cần thiết thì xin ý kiến Bộ GD-ĐT tăng chỉ tiêu năm 2020 cho Đại học Đà Nẵng để bảo đảm đủ chỗ cho các em đủ điều kiện trúng tuyển được nhập học. Bên cạnh đó, để chủ động cho công tác tuyển sinh trong điều kiện Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép Đại học Đà Nẵng được linh hoạt chuyển đổi các chỉ tiêu của phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sang phương thức xét tuyển bằng học bạ để tuyển đủ chỉ tiêu và bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Đối với thí sinh từ các địa phương khác, Đại học Đà Nẵng vẫn xét tuyển bình thường theo các phương thức: Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh riêng của các trường thành viên, xét học bạ, xét dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như phương án đã công bố. Riêng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có thể không thực hiện được do tình hình dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng sẽ chuyển các chỉ tiêu của phương thức này sang chỉ tiêu các phương thức còn lại.

* GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Cần có phương án xét đặc cách nếu dịch kéo dài

Trong tình hình này, việc Bộ GD-ĐT chia kỳ thi thành 2 đợt là phù hợp. Tuy nhiên, phải lường trước mọi tình huống. Trong trường hợp dịch bệnh đi qua ngắn, các địa phương khác đã thi xong và xét tốt nghiệp thì Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ triển khai thi. Nhưng trong trường hợp dịch bệnh phức tạp và kéo dài vài ba tháng, thậm chí lâu hơn, thì phải tính đến phương án xét tốt nghiệp đặc cách cho thí sinh vùng dịch, để các em có bằng tốt nghiệp, xét tuyển vào đại học giống như thí sinh khác. Điều này trong quy chế thi cũng đã quy định, những trường hợp bất khả kháng thì xét đặc cách. Việc này rất quan trọng để ổn định tâm lý học sinh. Vì vậy, Bộ phải có phương án cụ thể.

* Thầy Phan Quốc Huy, Trung tâm Vật lý Quốc Huy (Đà Nẵng): Học sinh cần bình tĩnh, tiếp tục củng cố kiến thức

Việc Bộ GD-ĐT chia kỳ thi tốt nghiệp thành 2 đợt, trong đó thí sinh Đà Nẵng thi đợt 2, giúp các em có thêm thời gian ôn luyện và nhận biết ma trận đề thi đợt 1. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh và tâm lý nôn nao nên khoảng thời gian ôn luyện thêm có thể hiệu quả không cao. Tất cả học sinh đều tự học thay vì được giáo viên hỗ trợ luyện thi nên phần kiến thức có được không nhiều. Vì vậy, để bảo đảm tốt kỳ thi trong đợt 2 (nếu tổ chức sớm), học sinh cần bình tĩnh, tiếp tục ôn tập để củng cố kiến thức. Không vì dịch mà lung lay ý chí. Cạnh đó, gia đình cũng cần phải động viên học sinh trong khoảng thời gian này.

* Ông Nguyễn Thành, phụ huynh học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh: Xét tuyển căn cứ vào nguyện vọng và kết quả của thí sinh

Việc Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành 2 đợt do tác động của Covid-19 đã đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết. Trước tiên, cần xác định hạn cuối để tổ chức đợt thi thứ hai nhằm bảo đảm cho các trường đại học, cao đẳng chủ động trong việc tuyển sinh bổ sung sau khi xét tuyển đối với những thí sinh được tham gia đợt 1. Đồng thời, căn cứ trên thời hạn đó, Đà Nẵng cùng 1 số huyện, thị xã tỉnh Quảng Nam và các địa phương có trường hợp thí sinh là F1 và F2 chủ động, quyết định phương án (thi tuyển hoặc xét học bạ và công nhận tốt nghiệp THPT) trên cơ sở tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Thứ hai, trong phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng cần chủ động tính toán đến yếu tố liên quan thí sinh của Đà Nẵng, Quảng Nam và các trường hợp F1, F2. Trên cơ sở đăng ký nguyện vọng của thí sinh, các trường rà soát số lượng, có chỉ tiêu dự phòng và báo cáo phương án với Bộ GD-ĐT. Khi có kết quả thi đợt 2 hoặc kết quả xét học bạ và công nhận tốt nghiệp THPT, căn cứ vào nguyện vọng và kết quả của thí sinh, các trường nhanh chóng bổ sung và thông báo kết quả trúng tuyển cho thí sinh.

NGỌC PHÚ thực hiện
 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích