Nên hay không nên để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp?

.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó, cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động để phục vụ việc học khi có sự đồng ý của giáo viên. Nội dung này đã tạo ra làn sóng dư luận nhiều chiều.

Việc cho học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập trong giờ học cần được cân nhắc kỹ trước khi áp dụng. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Hải Châu ngày đầu đến trường năm học mới. Ảnh: N.P
Việc cho học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập trong giờ học cần được cân nhắc kỹ trước khi áp dụng. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Hải Châu ngày đầu đến trường năm học mới. Ảnh: N.P

Phụ huynh chưa đồng tình

Khảo sát từ nhiều phụ huynh cho thấy, hầu hết đều không đồng tình việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ việc học tập. Chị Nguyễn Thị Anh Đào (ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bày tỏ băn khoăn khi không phải tất cả học sinh đều có điều kiện để mua và sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng.

Vì vậy, theo chị Anh Đào, trước khi cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động, cần khảo sát và đưa ra các giải pháp cụ thể. “Một lớp học từ 40-45 học sinh, liệu giáo viên có đủ thời gian để quản lý học sinh sử dụng điện thoại? Vì vậy, theo tôi, sẽ rất khó khăn cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh khi quy định này đi vào thực tế”, chị Nguyễn Thị Anh Đào chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Miềng (ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho biết, chị cho phép con sử dụng điện thoại với chức năng cơ bản là nghe và gọi từ khi con đang học THCS, mục đích là để liên lạc khi đưa đón con. Việc quản lý con sử dụng điện thoại chỉ với 2 chức năng này đã khó, bởi con thường xuyên cầm điện thoại để trò chuyện với bạn bè, ít chú tâm học tập.

Vì vậy, theo chị Miềng, không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, bởi sẽ tạo cơ hội cho học sinh vào mạng Internet lướt facebook, chơi game, không tập trung học tập, ảnh hưởng đến việc học. Đồng quan điểm, Đặng Thanh Hải, cựu học sinh Trường THPT Phan Thành Tài cho rằng, học sinh có điện thoại là cần thiết trong thời đại hiện nay để tiện liên lạc với gia đình, bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, học sinh sử dụng điện thoại trong lớp phần lớn là làm việc riêng, ít sử dụng vào việc học tập. Vì vậy, không nên cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ việc học tập…

Cân nhắc việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học

Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho rằng, thời đại hiện nay, công nghệ thông tin đi vào cuộc sống mỗi người, trong đó có điện thoại di động. Điện thoại di động trở thành công cụ quen thuộc của cuộc sống hiện đại. Tri thức nhân loại nằm trong điện thoại di động, trong đó có cả những phần liên quan đến nội dung dạy và học trong nhà trường phổ thông các cấp.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, đối tượng sử dụng, không gian sử dụng, thời điểm sử dụng, tất cả phải hợp lý, nhất là trong môi trường giáo dục. “Người thầy không thể quản được việc sử dụng điện thoại trong giờ học, giờ kiểm tra của tất cả học sinh.

Học sinh có thể sử dụng Google để trả lời tất cả các câu hỏi của thầy cô giáo mà ít cần động não suy nghĩ, thậm chí triệt tiêu cả khả năng sáng tạo. Hơn nữa, không phải học sinh nào cũng đều có điện thoại di động, có nhiều chức năng. Có em chỉ dùng điện thoại để liên lạc với gia đình, có em dùng điện thoại di động đa chức năng, dẫn đến nhiều bất cập, không công bằng, đồng bộ trong dạy - học và quản lý. Vì vậy, vấn đề này cần bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc học sinh cấp nào được sử dụng điện thoại, nếu không, dẫn đến “lợi bất cập hại”, tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa trăn trở.   

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Trường THPT Trần Phú cho rằng, việc kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại sai mục đích là rất khó, vì sỉ số các lớp trung bình khoảng 40 học sinh và nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy chứ không phải quản lý 40 học sinh dùng điện thoại.

Bản thân học sinh cũng khó cưỡng lại sức cám dỗ của chiếc điện thoại có kết nối Internet. Sức mê hoặc của trò chơi trực tuyến hay đơn giản là những cảm xúc, tình cảm tuổi mới lớn sẽ được chiếc điện thoại thông minh hỗ trợ. “Tiếng rung hay màn hình sáng báo tin nhắn sẽ khiến các em khó tập trung tuyệt đối vào việc học. Thay vì sử dụng điện thoại trong giờ học, giáo viên có thể giao bài tập đòi hỏi phải truy cập Internet về nhà, học sinh giải quyết dưới sự kiểm soát của phụ huynh”, thầy Nguyễn Đình Hòa chia sẻ.

Trong khi đó, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, việc cho học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích, phục vụ học tập trong lớp, có sự đồng ý và giám sát của giáo viên và phụ huynh là một chủ trương cần thiết. Theo đó, học sinh sử dụng điện thoại để tải tài liệu học tập, tra cứu, việc tương tác giữa thầy và trò sẽ rất thuận lợi.

Vấn đề đặt ra là cần kiểm soát việc học sinh sử dụng điện thoại sao cho hợp lý, hiệu quả. “Có nhiều quan điểm trái chiều về việc để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực thì đây là chủ trương hữu ích, giúp học sinh học tập tốt hơn. Trong thời gian tới, để có sự đồng thuận và có thể triển khai đi vào thực tế, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn, quy định cụ thể”, ông Mai Tấn Linh cho hay.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.