Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng luôn sẵn sàng tham gia xây dựng, phản biện chính sách, hiến kế cùng thành phố. Qua đó, góp phần phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có ngành du lịch hiện chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Sinh viên khoa Du lịch (ĐH Kinh tế ) thực tập tại Vinpearl Phú Quốc. (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Tăng cường gắn kết “ba nhà”
Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Du lịch, thương mại, dịch vụ tài chính, logistics, công nghệ thông tin… rất cần thiết, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khôi phục tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, nhà trường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ đổi mới quản trị đại học theo hướng tự chủ; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như trình độ, tiềm lực đội ngũ giảng viên đến tiết kiệm để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất; tích cực, chủ động kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế…
Đáng chú ý, từ năm học 2018-2019, nhà trường triển khai đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch theo cơ chế đặc thù. Đây là bước đi đón đầu xu thế và phù hợp với đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố” theo Kế hoạch số 2809/KH-UBND ngày 29-4-2020 của UBND thành phố Đà Nẵng. Trong mô hình đào tạo này, sinh viên được tăng cường 30-50% thời lượng thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp.
Theo TS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế, mối quan hệ gắn kết giữa “ba nhà” (Nhà nước- nhà trường - nhà doanh nghiệp) nhất là trong lĩnh vực du lịch đem lại nhiều lợi ích cho các bên. Theo đó, nhà trường nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp để điều chỉnh kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh, cập nhật chương trình đào tạo, mời các chuyên gia, doanh nhân tham gia hướng dẫn sinh viên thực tập.
Doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu, thể hiện trách nhiệm xã hội. “Hơn hết, sinh viên được trải nghiệm ngành nghề, tập sự cùng doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành để khi ra trường nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Điều này sẽ bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố”, TS. Cao Trí Dũng bày tỏ.
Hiến kế phát triển du lịch
Theo PGS. TS. Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, thời gian đến, khả năng Covid-19 còn tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngắt quãng… Vì vậy, để kinh tế du lịch trở lại “đường băng” cất cánh, chiếm tỷ trọng 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) như mục tiêu đề ra, thành phố cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông động lực mới, tăng sức chống chịu cho nền kinh tế bằng các chính sách tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt, cần quan tâm hơn việc nâng tầm thương hiệu Đà Nẵng để định vị bền vững, hấp dẫn các nhà đầu tư và quảng bá ra thế giới.
Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Trưởng khoa Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế cho rằng, đây là cơ hội để thành phố đẩy nhanh các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các sở, ban, ngành xúc tiến nghiên cứu phát triển kinh tế về đêm, tạo sản phẩm du lịch mới, ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp để cải tiến dịch vụ du lịch, logistics phát triển theo hướng an toàn, tiện lợi, thông minh hơn… Doanh nghiệp cũng cần tính toán chiến lược chuyển từ cạnh tranh về giá cả sang cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, đem lại nhiều giá trị mới cho khách hàng.
“Trước mắt, ngành du lịch cũng cần kịp thời triển khai các gói hỗ trợ giải cứu doanh nghiệp và người lao động bằng việc gia hạn, giãn nợ, giảm lãi vay… Hoạt động tiếp thị, ứng dụng truyền thông đa phương tiện kết hợp với các chính sách kích cầu, khuyến mại sẽ đem lại hiệu quả lâu dài, khai thác tiềm năng khách nội địa, quảng bá để khách quốc tế hình thành dự định, khôi phục thói quen, tâm lý du lịch đến Việt Nam và Đà Nẵng khi dịch bệnh được kiểm soát”, TS. Cao Trí Dũng đề xuất.
NGỌC HÀ