Lớp học không tường

.

Việc mở rộng không gian học tập, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo đang trở thành xu thế của giáo dục hiện đại. Sự xuất hiện của các lớp học không tường đã mang đến một làn gió mới, giúp học sinh hứng thú và chủ động hơn trong học tập.

Học sinh khối 10 Trường Tiểu học - THCS - THPT Sky-Line Đà Nẵng trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng. Ảnh: N.H
Học sinh khối 10 Trường Tiểu học - THCS - THPT Sky-Line Đà Nẵng trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng. Ảnh: N.H

Đúng như tên gọi, lớp học không tường là hình thức học thông qua trải nghiệm ở ngoài lớp học - nơi học sinh được học tập, trải nghiệm dưới mái nhà là bầu trời. Đầu tháng 4 vừa qua, học sinh khối 10 Trường Tiểu học - THCS - THPT Sky-Line Đà Nẵng có buổi học đầy thú vị với dự án lớp học không tường. Học sinh tham gia trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng và sau đó học môn Ngữ văn ngay tại Công viên APEC.

Em Trần Thảo Nhi, học sinh lớp 10/1 Trường Tiểu học - THCS - THPT Sky-Line Đà Nẵng hào hứng nói: “Buổi học nào bên ngoài không gian lớp học cũng thú vị với chúng em. Với môn Ngữ văn gắn hoạt động đạp xe qua một số con đường của Đà Nẵng, chúng em có thể làm những bài văn nêu lên tình cảm của mình đối với thành phố, những cảm xúc chân thật mà không bài văn mẫu nào có”.

Tương tự, học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Liên Chiểu) được tham quan làng nghề nước mắm Nam Ô và sau đó làm clip giới thiệu về làng nghề này hay trải nghiệm trồng trọt tại làng rau Trà Quế… Em Nguyễn Anh Thư (học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Anh Xuân) cho biết, những buổi học bên ngoài giúp em nhớ lâu hơn bài giảng, hăng hái làm clip đăng trên fanpage của trường để dự thi. Theo các giáo viên, trên thực tế, hình thức lớp học không tường không phải là khái niệm mới nhưng có thể nói chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thúc đẩy giáo viên linh động, sáng tạo, đổi mới cách giảng dạy gắn liền với thực tiễn.

Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Đức Trí chia sẻ, hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh được nhà trường tổ chức lâu nay nhưng theo chủ đề đơn lẻ. Ba năm trở lại đây, nhà trường triển khai dự án lớp học không tường thì các chủ đề sẽ được gắn liền với môn học cụ thể của từng khối lớp và những lớp học không tường luôn được tổ chức định kỳ từ đầu mùa xuân đến hè, là giai đoạn thời tiết thuận lợi nhất.

Nói về hiệu quả của lớp học không tường, thầy Bùi Thanh Phát, giáo viên Ngữ văn Trường Tiểu học - THCS - THPT Sky-Line Đà Nẵng cho biết, việc mở rộng không gian ngoài lớp học giúp học sinh sáng tạo nhiều hơn, có nhiều chất liệu cuộc sống để phục vụ việc học tập. Ví dụ với bộ môn Ngữ văn, đặc trưng là giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh, chương trình giáo dục phổ thông 2018 mục tiêu hướng tới giáo dục mang tính trải nghiệm, thực tiễn. Do đó, các lớp học không tường giúp các em có chất liệu từ thiên nhiên, đời sống, tăng cảm xúc để có những bài văn hay khi viết về quê hương, đất nước…

Trong khi đó, nhiều giáo viên cho rằng cần chú trọng hiệu quả của lớp học không tường. Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), hoạt động trải nghiệm nếu chỉ dừng ở mức độ học sinh đến trang trại, xưởng gốm… để quan sát thì chưa thực sự có sự trải nghiệm, rất khó hình thành và phát triển các kỹ năng. Vì thế, khi tổ chức lớp học không tường, thầy cô cần xác định được mục tiêu của buổi học.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, cho biết, nhà trường luôn hướng đến kết quả học sinh thu nhận được những gì sau buổi trải nghiệm. Chẳng hạn, một buổi trải nghiệm mô hình trồng rau sạch phải giúp học sinh nhận ra làm nông nghiệp không chỉ là hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn với con trâu cái cày mà còn nhiều phân khúc khác cần những lao động có kiến thức chuyên môn để đáp ứng nhu cầu cho một nền nông nghiệp sạch. Những kiến thức, bài học của môn Sinh học, Hóa học sẽ được áp dụng thế nào trong vấn đề sử dụng phân bón hữu cơ, cải tạo đất đối với nông nghiệp…

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.