Nâng cao chất lượng nhân lực công nghệ thông tin

.

Theo kế hoạch phát triển nhân lực công nghệ thông tin, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có 75.000 nhân lực công nghệ số, trung bình cần 7.500 người/năm. Để đáp ứng nguồn nhân lực này, đòi hỏi các cơ sở giáo dục tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm yêu cầu của doanh nghiệp.

Sinh viên tìm hiểu thông tin doanh nghiệp tại sự kiện công nghệ thông tin Devday Đà Nẵng 2023 tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.  Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên tìm hiểu thông tin doanh nghiệp tại sự kiện công nghệ thông tin Devday Đà Nẵng 2023 tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

 Chỉ đáp ứng 50%                                                                   

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, số lượng doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố khá cao. Cụ thể, thành phố hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh, gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc), số lượng nhân lực công nghệ số khoảng 46.500 người.

Hiện nay, thành phố có 3 khu CNTT tập trung đang hoạt động, gồm khu Công viên phần mềm Đà Nẵng với 2.200 nhân lực, lấp đầy 100%; khu CNTT tập trung Đà Nẵng dự kiến thu hút 20.000 nhân lực; khu FPT Complex hiện có hơn 6.000 nhân lực và đặt mục tiêu thu hút 10.000 vào năm 2025. Thành phố đang xây dựng khu Công viên phần mềm số 2 dự kiến thu hút 6.000 nhân lực, Tòa nhà phần mềm và công nghệ cao Viettel dự kiến thu hút 2.500 nhân lực CNTT. Theo kế hoạch phát triển nhân lực CNTT, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có 75.000 nhân lực công nghệ số, trung bình cần 7.500 người/năm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực CNTT cho biết, nhân lực CNTT tại Đà Nẵng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Nam, CEO Công ty TAG Ventures chia sẻ: “Số lượng nhân viên chuyên ngành CNTT mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nhân lực cho các công ty. Nhiều doanh nghiệp hiện nay ngoài việc tuyển dụng sinh viên tại các trường đào tạo CNTT còn tuyển ở các trường kinh tế, nơi mà có những ngành liên quan đến CNTT. Những sinh viên có năng lực được doanh nghiệp săn đón khi chưa tốt nghiệp”.

Tương tự, ông Nguyễn Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV MGM Technology Partners Việt Nam cũng thừa nhận, nguồn nhân lực CNTT tại Đà Nẵng hiện đang thiếu, trong khi một số sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Ông lấy ví dụ, tại công ty, tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính, do đó, nếu sinh viên không biết ngoại ngữ thì rất khó làm việc; hơn nữa, đối với sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm làm việc nên doanh nghiệp khi tuyển vào phải cần thời gian đào tạo… “Tại ngày hội việc làm hoặc sự kiện CNTT liên quan, chúng tôi luôn định hướng cho các bạn tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp, hy vọng qua đó, các bạn sẽ tự điều chỉnh, trang bị kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc khi ra trường”, ông Nguyện nói.

Sinh viên nghe chuyên gia chia sẻ về xu thế công nghệ thông tin tại sự kiện công nghệ thông tin Devday Đà Nẵng 2023 tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: N.H
Sinh viên nghe chuyên gia chia sẻ về xu thế công nghệ thông tin tại sự kiện công nghệ thông tin Devday Đà Nẵng 2023 tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: N.H

Cần nhân lực chất lượng cao

Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đào tạo kỹ sư CNTT từ năm 1994, đến nay, mỗi năm khoa CNTT của nhà trường có khoảng 350 sinh viên tốt nghiệp cử nhân/kỹ sư CNTT. PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi, Trưởng khoa CNTT nhà trường cho biết, nhằm bắt kịp xu hướng khoa học công nghệ và đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ năm 2018, khoa đã mở chuyên ngành đào tạo An toàn thông tin và năm 2020 tuyển sinh chuyên ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Các chương trình đào tạo liên quan CNTT được xây dựng và cập nhật định kỳ 2 năm. Ngoài các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành, khoa đã đưa vào giảng dạy các môn học được cập nhật công nghệ và kiến thức mới như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, mạng nơron học sâu, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, chuyên đề công nghệ…

Hằng năm, một số trường ĐH thành viên khác như: ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Sư phạm… cũng dành một số chỉ tiêu nhất định đào tạo ngành CNTT. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, sự phát triển “nóng” của lĩnh vực chuyển đổi số, đòi hỏi tức thời nguồn nhân lực CNTT lớn. Trong khi đó, các trường ĐH không thể tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh lĩnh vực CNTT do phải tuân thủ theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.

Thời gian qua, các trường thành viên thực hiện chương trình đào tạo đặc thù đối với các ngành trong lĩnh vực CNTT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là một giải pháp quan trọng nâng chất lượng nguồn nhân lực. Với chương trình đặc thù, sinh viên được cử đi đào tạo thực tế một phần chương trình tại doanh nghiệp; nhà trường mời được nhiều cán bộ, chuyên gia lĩnh vực CNTT tham gia giảng dạy. ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình đào tạo theo hướng đặc thù để tăng chỉ tiêu, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên gắn với doanh nghiệp.

Theo quan sát, trước sức nóng của ngành CNTT, nhiều trường ĐH, CĐ công lập và cả ngoài công lập đều đẩy mạnh tuyển sinh liên quan ngành nghề này. Tuy nhiên, theo cảnh báo của một số nhà quản lý nhân sự lĩnh vực CNTT tại Đà Nẵng, trong quá khứ, cũng có nhiều ngành phát triển nóng trong giai đoạn ngắn hạn rồi suy giảm, sinh viên ra trường không có việc làm. Ngành CNTT hiện cần một số lượng lớn nhân lực nhưng chỉ những ứng viên có năng lực thật sự mới đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; đồng thời, đặc thù của CNTT là họ có thể làm việc xuyên tỉnh/thành, xuyên quốc gia nên có sự cạnh tranh không hề nhỏ.

“Có một thực tế là nguồn nhân lực CNTT đang vừa thừa, vừa thiếu. Những ứng viên giỏi dễ dàng tìm kiếm vị trí việc làm với mức lương cao, trong khi một số học CNTT ra trường vẫn chật vật kiếm việc. Vì thế, điều quan trọng hơn hết là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng”, quản lý nhân sự công ty phần mềm của Pháp tại Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên), chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.