“Nhìn thấy các em say mê trong hoạt động đọc sách do thư viện tổ chức là điều tôi thấy hạnh phúc nhất vì là lần đầu học sinh đồng bào Cơ tu được trải nghiệm điều này. Hoạt động này góp phần khơi dậy niềm yêu thích đọc sách của các em”, thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) chia sẻ về hoạt động “Thư viện lưu động” của Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố đến thôn Tà Lang phục vụ học sinh.
Thực tế cho thấy, khơi dậy văn hóa đọc ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa là việc làm rất cần thiết. Nhất là đối với học sinh tiểu học, việc đọc sách giúp hình thành nhân cách, rèn luyện những thói quen tốt. Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Lê Thị Bích Phượng chia sẻ, cuối tháng 2-2023, thư viện thực hiện chuyến xe “Thư viện lưu động” đến điểm trường thôn Tà Lang thuộc Trường Tiểu học Hòa Bắc để học sinh người đồng bào Cơ tu tiếp cận nhiều thể loại sách. Đồng thời, mong muốn truyền cảm hứng đến học sinh, góp phần xây dựng thói quen đọc sách của học sinh trong nhà trường.
Ngoài việc đem hàng trăm, hàng ngàn loại sách phục vụ nhu cầu đọc của các em, trên xe còn trang bị ti-vi, loa, micrô để phục vụ việc chiếu phim cũng như đem đến cho các em nhiều hoạt động hấp dẫn. Anh Nguyễn Công Minh, phụ trách bộ phận Phong trào cơ sở tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố cho hay, để các em yêu thích việc đọc sách và chọn lựa loại sách phù hợp, việc quan trọng là hướng dẫn cho các em kỹ năng đọc sách. Bên cạnh đó, thư viện còn tổ chức các trò chơi, chiếu những bộ phim phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, sau đó hỏi - đáp các câu hỏi theo nội dung trong phim đã xem. Em nào trả lời đúng sẽ nhận một phần quà từ chuyến xe “Thư viện lưu động”. Đây là những trải nghiệm thú vị giống buổi sinh hoạt ngoại khóa vui chơi mà học.
Giáo viên thư viện Trường Tiểu học Hòa Bắc Trần Thị Mỹ Dung cho biết, so với mô hình thư viện truyền thống, điểm khác biệt của mô hình này là cách thức phục vụ linh hoạt, học sinh có thể đọc sách trong một không gian mở cùng với các trò chơi, giúp các em phát triển sự sáng tạo, niềm yêu thích đọc sách và rèn luyện cho các em tính mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Hơn nữa thư viện thành phố cũng phục vụ những đầu sách mới lạ hơn sách hiện có của thư viện nhà trường.
“Hiện nay mỗi điểm trường đều có phòng đọc thư viện, mỗi lớp có “Góc đọc thư viện” để giờ ra chơi học sinh có thể đọc sách, truyện và cũng có thể mượn sách đem về nhà để đọc cho người thân nghe. Những hoạt động này tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần khơi dậy niềm yêu thích đọc sách ở các em”, cô Mỹ Dung nói.
Thầy Nguyễn Thọ cho biết, các học sinh tại điểm trường thôn Tà Lang hầu hết là người đồng bào Cơ tu (82/84 em). Hoạt động này đem lại ý nghĩa to lớn, tiếp thêm tri thức cho các em học sinh vùng núi, góp phần lan tỏa thói quen đọc sách trong học sinh. Về phía nhà trường luôn mong muốn kết nối với thư viện thành phố để tổ chức chuyến xe “Thư viện lưu động” nhằm phục vụ học sinh trong việc đọc sách, qua đó các em được học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích.
Bà Lê Thị Bích Phượng cho biết, đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện thành phố bằng tất cả tâm huyết đi gieo hạt mầm yêu thích việc đọc sách, hình thành thói quen đọc sách đối với học sinh ở những vùng còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Qua đây, mong các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục huyện Hòa Vang quan tâm, hỗ trợ trong việc phát triển văn hóa đọc của nhà trường.
THANH PHƯƠNG