ĐNO - Sáng 28-6, sau khi kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, theo nhận xét của nhiều thí sinh, tác phẩm “Vợ nhặt” vào đề thi là một bất ngờ; tuy nhiên, đây là tác phẩm quen thuộc nên vẫn tự tin với bài thi của mình.
Thí sinh vui mừng khi hoàn thành môn thi đầu tiên. Ảnh chụp tại điểm thi Trường THPT Trần Phú. |
Là thí sinh đầu tiên ra về tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh, em Trần Nhật Trung, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh tự tin về bài thi môn Ngữ văn của mình. Trung là học sinh giỏi có điểm tổng kết môn Ngữ văn năm lớp 12 trên 8 điểm.
“Đề năm nay có cấu trúc tương tự như năm ngoái. Em hoàn thành tất cả các câu hỏi của đề thi và dành 10 phút cuối để kiểm tra lại bài làm. Trong các câu hỏi của đề, câu 4 phần đọc hiểu yêu cầu rút ra bài học từ suy ngẫm của tác giả qua câu thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình” là khó nhất. Để làm được, thí sinh phải có khả năng cảm thụ văn chương tốt và liên tưởng đến đời sống thực tế. Các câu còn lại gồm nghị luận xã hội về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống và phân tích đoạn trích trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân nhiều thí sinh có thể làm được. Đặc biệt, đoạn trích trong truyện ngắn Vợ nhặt thí sinh đã được ôn tập kỹ”, Trung nói.
Tuy nhiên, một số thí sinh cho rằng tác phẩm Vợ nhặt được ra nhiều lần nên đã bỏ qua và tập trung vào tác phẩm được cho là “mang tính thời sự” là Người lái đò sông Đà nên không dễ phân tích phần nghị luận văn học.
Thí sinh Nguyễn Văn Lê Hùng, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, cho biết, vì tập trung vào hai tác phẩm Người lái đò sông Đà và Vợ chồng A Phủ nên khi đọc đề thi, em phải mất mấy phút để lấy lại tinh thần làm bài vì "trật tủ".
“Đoạn trích trong tác phẩm Vợ nhặt dùng làm ngữ liệu của đề thi cũng ít có ý để viết. Rất may là phần nghị luận xã hội, thi sinh có thể lấy cảm hứng và ý tưởng từ ngữ liệu của phần đọc - hiểu. Em làm hai phần này khá là tốt. Dù có nhiều bạn sẽ "trật tủ" nhưng đây là một đề thi khá hay, tạo sự liền mạch trong cảm xúc làm bài của thi sính vì các câu hỏi đều tập trung vào một chủ đề", Hùng cho biết.
Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn thành môn thi tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh. |
Nhận xét đề Ngữ văn năm nay, cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Thanh Khê cho rằng, cấu trúc đề thi quen thuộc. Cấu trúc gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm). Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây, học sinh đã rất quen thuộc với cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.
Về độ khó và sự phân hóa, đề thi được ra nhẹ nhàng, chủ yếu ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT. Phần đọc hiểu ra một đoạn thơ trong "Đi qua cơn giông" của tác giả Anh Ngọc và hỏi 4 câu hỏi nhỏ.
Hai câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, đọc vào thấy ngay câu trả lời, hầu như em nào cũng có thể làm được, nhưng có thể vẫn có một số em sẽ nhầm lẫn và sai ở câu xác định thể thơ; câu 3 (mức độ thông hiểu) cũng tương đối nhẹ nhàng, nhưng sẽ có những em làm thiếu phần tác dụng của biện pháp nghệ thuật; câu 4 (mức độ vận dụng) đòi hỏi học sinh phải suy ngẫm và có óc khái quát thì mới làm được.
Phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, khá nhẹ nhàng và gần gũi với các em. Dự đoán các em sẽ làm ổn.
Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5 - 6 đủ bảo đảm để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.
Câu nghị luận văn học là câu phân hóa thí sinh. Đề yêu cầu phân tích đoạn trích nên thí sinh phải tập trung vào chính ngữ liệu dùng trong đề thi chứ không phải là tác phẩm hay nhân vật. Sẽ có thí sinh nhầm lẫn yêu cầu này. Ngoài ra, từ đoạn trích này, thí sinh phải liên hệ với phong cách nghệ thuật, cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân thì không phải thí sinh nào cũng làm được.
Thí sinh được tình nguyện viên phát nước uống tại điểm thi Trường THPT Phan Chu Trinh sau khi hoàn thành bài thi. |
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Trần Phú cũng cho rằng, đề thi năm nay giàu cảm xúc từ ngữ liệu đọc hiểu, nghị luận xã hội và cả câu nghị luận văn học. Câu hỏi đọc hiểu tương đối nhẹ nhàng, chỉ có câu 4 đòi hỏi sự suy tư chiêm nghiệm sâu sắc của người viết. Câu nghị luận xã hội triển khai sâu hơn vấn đề đọc hiểu đặt ra một vấn đề rất hay đối với lứa tuổi học sinh.
Câu nghị luận văn học không ngoài dự đoán khi ra một tác phẩm văn xuôi. Đoạn kết sử dụng trong đề thi gói ghém nhiều tư tưởng của tác phẩm Vợ nhặt nên học sinh phải có đủ kiến thức và kĩ năng mới có thể làm tốt. Câu hỏi phân loại cũng đòi hỏi sự tinh tế và sâu sắc của người viết. Đề có thể dễ kiếm điểm nhưng cũng có tính phân loại cao.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, sáng nay, có 12.961 thí sinh dự thi, vắng 88 thí sinh (44 thí sinh được miễn thi). Có 2 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi.
NGỌC HÀ - PHI NÔNG