Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy năm 2023 đã thuộc về em Đỗ Phú Quốc, học sinh lớp 11 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam) của đội tuyển Việt Nam. Đây là học sinh đầu tiên của Quảng Nam (kể từ khi tách tỉnh) đoạt huy chương vàng Olympic Quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đón đoàn Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy năm 2023. Ảnh: NVCC |
Từ khát khát khao tìm hiểu cuộc sống xung quanh
Nói về cơ duyên yêu thích môn Hóa học, Phú Quốc cho biết: “Một lần tình cờ, em được xem video về những thí nghiệm hóa học liên quan đến đời sống trên YouTube, em thấy khá hứng thú. Sau đó, em đã thực hành các thí nghiệm đơn giản tại nhà, và em cảm thấy giữa hóa học và đời sống có một mối liên hệ sâu sắc. Học hóa cũng là cách tiếp cận với đời sống ở một góc nhìn riêng. Từ đó, em mua thêm các cuốn sách Hóa học về để tự tìm tòi, nghiên cứu. Niềm yêu thích môn Hóa trong em cứ thế lớn dần thêm khi được khám phá thế giới xung quanh qua môn học”.
Đỗ Phú Quốc từng là thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên tỉnh Quảng Nam; Trong năm học lớp 10 em đã đạt giải Ba học sinh giỏi cấp quốc gia môn Hóa, trong cuộc thi của các anh chị lớp 11-12; Đến năm 11, em đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Hóa, và được chọn vào vòng 2 tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Quốc tế.
Vừa trở về từ kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy, Phú Quốc chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy được tổ chức. Đó là sự may mắn đối với em cũng như các bạn trong đoàn. Qua kỳ thi này, chúng em được trải nghiệm, học tập và trưởng thành rất nhiều…”.
Theo Phú Quốc, trong cuộc thi này, phần thi lý thuyết khá thú vị khi ban tổ chức tạo điều kiện cho thi sinh được đối thoại với giám khảo (bằng tiếng Anh) về bài thi của mình. “Em nghĩ điều này giúp cho học sinh rèn khả năng tự tin, độc lập, dám trình bày chính kiến, có đủ lý lẽ thuyết phục ban giám khảo. Em cũng rất vui vì em đã thuyết phục được ban giám khảo trong phần đối thoại này”, Phú Quốc nhớ lại.
Phú Quốc cho rằng, điều khó khăn với học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế là sự lạ lẫm về nếp sống, sinh hoạt và ngôn ngữ. Còn ở môn Hóa học thì khó khăn của học sinh Việt Nam là phần thi thực hành. Điều kiện phòng thí nghiệm ở trường phổ thông vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy, khi đi thi quốc tế, có nhiều dụng cụ, học sinh phải học thêm cách dùng. Còn ở phần thi lý thuyết, khó khăn được đặt ra ở đây là trong vòng 5 tiếng đồng hồ, thí sinh vừa phải giải quyết những bài tập khó, vừa phải trình bày lời giải bằng tiếng Anh. Với những bạn học không tốt tiếng Anh, việc phải song song vừa tư duy hướng giải quyết một bài toán, vừa tư duy ngôn ngữ trình bày là điều không đơn giản", Phú Quốc nói.
Khoảnh khắc Ban tổ chức đọc tên các thí sinh đoạt huy chương đã để lại trong Phú Quốc nhiều cảm xúc: “Khi đọc đến danh sách các thí sinh đạt huy chương Vàng, em rất lo lắng vì có hai khả năng xảy ra: Có thể em đạt được huy chương Vàng hoặc em phải ra về với một tấm giấy chứng nhận tham dự kì thi. Vì vậy, khi nghe đến tên mình, em đã vỡ òa trong hạnh phúc. Mọi nỗ lực của em trong kì thi này đã được đền đáp”.
Nhưng Phú Quốc vẫn khiêm tốn: “Mọi khoảnh khắc rồi sẽ qua, sẽ trở thành kỉ niệm, em và các bạn sẽ còn nỗ lực hơn nữa để không phụ niềm tin, sự hi vọng của thầy cô, gia đình và bạn bè”.
Không ngại hỏi
Em Đỗ Phú Quốc (bên phải) cùng PGS.TS Vũ Quốc Trung, chuyên gia cố vấn môn Hóa học, Trưởng đoàn Việt Nam ở Olympic quốc tế Hóa họcAbu Reikhan Beruniy. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ về học trò của mình, cô giáo Nguyễn Thị Trang, giáo viên môn Hóa, Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông - người đã dìu dắt, định hướng em Phú Quốc từ những bước đi đầu tiên khi em vừa mới trúng tuyển vào trường, đã ấn tượng với cậu học trò này bởi sự thẳng thắn.
“Phú Quốc là một học sinh không ngại hỏi, nếu chỗ nào chưa hiểu, em sẵn sàng hỏi giáo viên. Khi đã nắm được phần kiến thức cơ bản, Phú Quốc nhanh chóng tiếp cận được phần nâng cao và mở rộng. Điều này cho thấy em có phương pháp học khá tốt".
Có một học trò có niềm đam mê và khát khao chinh phục môn Hóa, cô giáo Nguyễn Thị Trang cho rằng: “Bản thân giáo viên cũng phải không ngừng cố gắng để thoả mãn đam mê của học trò. Có những học trò giỏi như em Quốc càng thúc đẩy chúng tôi hoàn thiện về chuyên môn, đam mê với nghề dạy”.
Thầy giáo Phạm Lê Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam), đồng thời là giáo viên dạy chuyên của Phú Quốc cho biết: “Phú Quốc là một học sinh có phương pháp học tập khoa học. Khi gặp những vấn đề chưa rõ, em luôn trao đổi trực tiếp với thầy cô và thể hiện quan điểm của mình, cùng với thầy cô thảo luận đến cùng để hiểu rõ vấn đề và nắm chắc kiến thức. Phú Quốc cũng luôn tìm tòi, khám phá những kiến thức mới. Bên cạnh đó, em có tinh thần tự học rất cao, nghiêm túc, tập trung trong những giờ tự học. Không chỉ học ở thầy cô mà em còn tìm tòi học hỏi trên các nền tảng ứng dụng liên quan đến môn học như internet, học ở bạn bè qua facebook…”.
Với niềm đam mê môn học, cậu học trò đất Quảng tâm sự: “Từ góc nhìn cá nhân, em cảm nhận Hóa học là một môn học khá thực tế, có nhiều vấn đề liên quan đến đời sống. Học Hóa không chỉ là việc giải quyết những bài toán khô khan, những lí thuyết khó hiểu mà học Hóa chính là khám phá những điều thú vị của cuộc sống quanh ta”.
Vừa qua, đoàn Việt Nam có 8 học sinh tham dự Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy năm 2023. Với thành tích 4 huy chương vàng và 4 huy chương bạc, đoàn Việt Nam xếp thứ nhất và xếp trên các đội mạnh như Nga, Uzbekistan, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… |
Theo Báo Tin tức