Thi tốt nghiệp THPT: Kỹ năng làm bài để đạt điểm cao?

.

Chỉ còn nửa tháng nữa, học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một số giáo viên chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm làm bài để giúp học sinh thực hiện tốt các bài thi.

Học sinh lớp 12 cần chú trọng đến kỹ năng làm bài để đạt điểm cao. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Trần Phú trong giờ ôn tập môn Ngữ văn. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh lớp 12 cần chú trọng đến kỹ năng làm bài để đạt điểm cao. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THPT Trần Phú trong giờ ôn tập môn Ngữ văn. Ảnh: NGỌC HÀ

* Thầy Phan Quốc Duy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi: Vận dụng nhiều phương pháp
khác nhau

Trong thời gian ôn tập còn lại cho đến ngày dự thi tốt nghiệp, với môn Toán, học sinh cần bám sát nội dung đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tham khảo thêm các đề thi thử của Sở GD&ĐT và các trường THPT trên cả nước. Học sinh cần rèn luyện thói quen làm đến câu nào thì tô đáp án ngay cho câu đó, không để dành tô một lượt.

Đối với học sinh học lực trung bình thì nên học kỹ lý thuyết, luyện giải cẩn thận các câu mức độ dễ (từ câu 1 đến 28), sau đó hướng đến các dạng câu tương tự ở mức độ thông hiểu (từ câu 29 đến câu 38). Đối với học sinh khá, giỏi, những câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu (từ câu 1 đến câu 38), các em nên luyện giải nhanh, chính xác, tốt nhất là hoàn thành phần này trong 20 đến 30 phút.

Làm bài, học sinh nên vận dụng nhiều phương pháp khác nhau khi giải quyết bài toán; tránh câu nào cũng làm tự luận rồi chọn đáp án vì phải dành quá nhiều thời gian cho mỗi câu hỏi, sẽ không đủ thời gian để giải quyết hết số câu hỏi trong đề. Với các bài toán hình học không gian, học sinh chú ý hình vẽ có sẵn trên đề bài, vẽ thêm để tìm ra lời giải.

* Cô Nguyễn Thị Thu Thủy (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Ngũ Hành Sơn): Đọc kỹ yêu cầu, tránh lạc đề

Cấu trúc đề Ngữ văn gồm 2 phần: Đọc, hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Đối với phần đọc hiểu, học sinh cần đọc kỹ các yêu cầu câu hỏi và trả lời trực tiếp, ngắn gọn, rõ ràng và đúng trọng tâm.

Ở phần làm văn, đối với câu nghị luận xã hội, hình thức sẽ là một đoạn văn, trình bày suy nghĩ về một ý kiến nêu trong văn bản đọc - hiểu, thường là những vấn đề nổi bật trong đời sống, được nhiều người quan tâm như đạo đức, lối sống, tư tưởng, tình cảm... Học sinh cần giải thích rõ vấn đề cần nghị luận, chứng minh vấn đề đó đúng/sai rồi đưa ra ý kiến, bài học của bản thân.

Ở phần nghị luận văn học, học sinh cần chú ý bảo đảm cấu trúc bài văn có đủ và đúng mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận. Thân bài phải phân tích vấn đề cần nghị luận trong đoạn thơ (hoặc đoạn văn xuôi) theo yêu cầu đề (phần trọng tâm) và nhận xét, đánh giá khía cạnh nổi bật (theo đề ra). Kết bài, học sinh phải đánh giá khái quát vấn đề cần nghị luận; mở rộng nâng cao về giá trị của tác phẩm.

Các tác phẩm văn học được lựa chọn ở phần này nằm ở chương trình phổ thông (chủ yếu là lớp 12) và được giáo viên phân tích, giảng dạy rất kỹ trong suốt quá trình học. Tuy nhiên, khi tiếp cận đề thi, học sinh cần đọc kỹ câu lệnh (yêu cầu của đề) để không bị lạc đề.

* Thầy Phạm Văn Ngọc (Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Thái Phiên):Không bỏ câu hỏi nào

Với môn Giáo dục công dân, học sinh phải xác định được kiến thức pháp luật trong chương trình lớp 12 (trừ các bài và nội dung giảm tải); hệ thống lại một số nội dung ở chương trình lớp 10 và lớp 11. Ngoài việc nắm vững các khái niệm, nội dung trong sách giáo khoa, học sinh cần biết vận dụng các kiến thức, bài học vào giải quyết vấn đề thực tiễn đời sống; chú ý đến những nội dung tích hợp của các lĩnh vực như: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng.

Sau khi hình dung được cấu trúc đề thi, học sinh nên ước chừng thời gian cần thiết dành cho mỗi câu hỏi để có tốc độ làm bài thích hợp. Bằng cách này, các em sẽ bình tĩnh hơn khi biết mình đang làm gì, làm tới đâu, không hiểu sai đề, không quá áp lực về mặt thời gian.

Đối với phần câu hỏi dễ (nhận biết và thông hiểu), các em có thể dựa vào kiến thức đã học để làm. Với những câu khó hơn, có tính phân hóa (câu hỏi tình huống, vận dụng) thì dùng các kỹ năng loại trừ đáp án sai nhất hoặc chú ý đến những từ khóa để chọn ra đáp án đúng. Các em cần làm tất cả câu hỏi, không bỏ trống bất cứ câu nào để tăng xác suất đúng, đạt mức điểm cao nhất.

* Cô Trương Thị Thu Trang (giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Sơn Trà): Chú ý giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến 1975

Theo đề thi tham khảo của môn Lịch sử do bộ công bố, nội dung tập trung trọng tâm vào kiến thức Lịch sử lớp 12; trong đó, kiến thức rơi nhiều nhất vào nội dung lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến 1975. Ngoài ra, có 4 câu Lịch sử lớp 11 thuộc nội dung chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách kinh tế mới (NEP) và phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Đề thi phân hóa từ câu 31, phân hóa mạnh từ câu 38 đến câu 40. Để làm tốt tất cả các câu, thí sinh nên đọc câu hỏi, tìm và gạch chân từ khóa xác định yêu cầu đề; rà soát các phương án trả lời, vận dụng kiến thức đã học để tìm ra đáp án đúng. Quan trọng nhất là thí sinh phải đọc kỹ đề bài và đáp án để tìm từ khóa và tránh nhầm lẫn, làm chắc ở đâu tô đáp án ở đó để tránh bỏ sót đáng tiếc. Câu dễ làm trước câu khó làm sau, phân chia thời gian hợp lý để hoàn thành tốt môn thi Lịch sử.

NGỌC HÀ ghi

;
;
.
.
.
.
.