Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

.

10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, giáo dục và đào tạo quận Thanh Khê đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Phát triển toàn diện ngành giáo dục và đào tạo thực hiện đều ở các bậc học. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Cẩm Nhung)Ảnh: NGỌC HÀ
Phát triển toàn diện ngành giáo dục và đào tạo thực hiện đều ở các bậc học. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Cẩm Nhung). Ảnh: NGỌC HÀ

Triển khai Nghị quyết số  29-NQ/TW, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp quy hoạch tổng thể ngành giáo dục và đào tạo quận đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, quy hoạch giáo dục gắn liền với quy hoạch đô thị, bảo đảm mạng lưới các trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đến nay, toàn quận có 23 trường mầm non, 16 trường tiểu học và 10 trường THCS; cơ sở vật chất trường học được đầu tư kiên cố, hiện đại theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia.

Các cấp học có đủ phòng học kiên cố phục vụ dạy và học, 100% học sinh mầm non và tiểu học được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ phòng học/lớp là 1, tỷ lệ phòng học/lớp cấp THCS là 0,6; xây mới bổ sung và thay thế 173 phòng học, 30 nhà vệ sinh, thành lập mới 1 trường tiểu học quy mô 20 phòng học, xây dựng mới 1 cơ sở tiểu học quy mô 25 phòng học, 2 cơ sở mầm non quy mô 22 phòng học, 1 cơ sở trường THCS với 7 phòng học. Cơ sở vật chất thường xuyên được xây dựng mới bổ sung, xây dựng mới thay thế, tu sửa, nâng cấp; tổng kinh phí xây dựng và sửa chữa trong 5 năm qua gần 236 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của thành phố và quận.

Ngành giáo dục và đào tạo được phát triển toàn diện ở các bậc học. Đối với bậc mầm non, quận triển khai thực hiện Đề án thí điểm nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tại 3 trường mầm non công lập; xây dựng và thực hiện có hiệu quả ‘‘Đề án sữa học đường” và ‘‘Chăm sóc mắt học đường”. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở cơ sở giáo dục mầm non năm 2022 là 0,2%, bảo đảm chỉ tiêu theo Chương trình hành động số 21-CTr/QU (dưới 5%). Tỷ lệ trẻ em mầm non ra lớp nhà trẻ đạt 75% (năm 2013 là 45,8%), mẫu giáo đạt 98% (năm 2013 là 77,8%), đạt các chỉ tiêu đưa ra trong chương trình hành động; duy trì tỷ lệ 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục trẻ em 5 tuổi.

Bậc tiểu học, duy trì 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và vào học lớp 6 qua các năm học; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2021-2022 đạt 99,99% (tăng gần 3% so với năm học 2013-2014). Bậc THCS, chất lượng giáo dục hai mặt năm học 2021-2022 đạt 97% (tăng 3% so với năm học 2013-2014); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đã đạt 99,86%. Số lượng học sinh giỏi cấp thành phố tăng đáng kể, từ 152 em năm học 2013-2014 lên 241 em năm học 2022-2023. Các trường đã xây dựng kế hoạch tự đánh giá, cải tiến chất lượng và triển khai thực hiện theo hướng dẫn của phòng giáo dục và đào tạo. Đến nay, có 16/27 trường mầm non; 15/16 tiểu học; 8/10 trường THCS được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, UBND quận Thanh Khê triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến nay, đã triển khai thực hiện ở các khối lớp 1, 2, 3, 6 và 7, hiện đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai lớp 4 và lớp 8 năm học 2023-2024. Ngoài ra, quận cũng đã củng cố, kiện toàn các trung tâm học tập cộng đồng; đẩy mạnh chủ trương xây dựng xã hội học tập, triển khai nhân rộng các mô hình học tập ở cơ sở; triển khai rộng rãi các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp tổ dân phố và “Đơn vị học tập” ở cơ sở trên địa bàn quận giai đoạn 2016-2020; ban hành các kế hoạch và tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Thị Minh Nguyệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Quận ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, hội, đoàn thể từ quận đến cơ sở; ngành giáo dục và đào tạo quận đã chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để thực hiện. Việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 trên địa bàn quận cơ bản kịp thời, nghiêm túc, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và người dân nhận thức được sự cần thiết, nội dung, yêu cầu, vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chuyển từ giáo dục chủ yếu truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, xây dựng một nền giáo dục mở, tạo cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Thời gian tới, quận Thanh Khê tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, phấn đấu tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt trên 80% (nâng cao tỷ lệ trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ra lớp), trẻ mẫu giáo luôn duy trì tỷ lệ trên 95%, trẻ 5 tuổi đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,99%; tốt nghiệp THCS đạt 99,9%/năm; phấn đấu xây dựng các trường mầm non công lập, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch; xây dựng mỗi trường THCS có ít nhất 6 phòng học bộ môn đạt chuẩn, 1 phòng học thông minh, 1 thư viện thông minh; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các trường học đảm bảo số phòng học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và 30% ở các trường THCS; 100% học sinh tiểu học và THCS được học Tin học và tiếng Anh.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.