Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong 8 năm qua, mỗi cấp học tăng từ 15.000 học sinh lên 22.000 học sinh. Do đó, nhu cầu giáo viên cho các bậc học rất lớn, trong khi việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thành phố đã kịp thời có giải pháp phù hợp đối với công tác tuyển dụng.
Nhu cầu giáo viên cho các bậc học rất lớn. TRONG ẢNH: Một giờ học tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà). Ảnh: NGỌC HÀ |
Thống kê sơ bộ tại quận Liên Chiểu, năm học 2023-2024, bậc tiểu học tăng 1.600 học sinh (tương đương 40 lớp); bậc THCS tăng 1.400 học sinh (tương đương 34 lớp). Hiện ngành giáo dục quận Liên Chiểu đang thiếu khoảng hơn 100 giáo viên từ bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho hay, hầu như các trường đều thiếu giáo viên, trong đó thiếu nhiều là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, THCS Nguyễn Chơn…
“Chúng tôi hy vọng tuyển dụng kịp thời để bảo đảm nguồn lực giáo viên cho năm học mới”, ông Lịch nói.
Tương tự, ông Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ chia sẻ, trên địa bàn quận Cẩm Lệ, nhiều trường học được xây dựng nhưng thiếu giáo viên nên không phát huy hết công năng. Cụ thể, Trường Mầm non Hương Sen (phường Hòa Xuân) dư 13 phòng học; Trường Mầm non Sao Mai (phường Hòa Thọ Tây) dư 4 phòng học; Trường Mầm non Trí Nhân (phường Hòa An) dư 9 phòng học... “Điều nghịch lý là nhu cầu gửi con em của phụ huynh ở những địa bàn này rất cao, nhưng nhà trường không thể nhận hết vì không tuyển được nhân lực để phục vụ công tác giảng dạy. Điều này khiến việc đầu tư cơ sở vật chất lãng phí”, ông Thái bày tỏ.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, ngành GD&ĐT đã phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức thi tuyển giáo viên tại các địa phương phù hợp, bảo đảm hiệu quả trong công tác tuyển dụng và bố trí đủ nguồn giáo viên cho các trường học trước khi bước vào năm học mới.
Theo đó, để khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên tiểu học, ngoài việc bỏ yêu cầu tiêu chuẩn về hộ khẩu thường trú tại thành phố và xếp loại tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong tuyển dụng giáo viên nói chung, ngày 18-4-2023, Chủ tịch UBND thành phố đã có Công văn số 1890/UBND-SNV về việc tiếp nhận giáo viên ngoài thành phố về giảng dạy văn hóa tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn thành phố; trong đó, các tiêu chuẩn để tiếp nhận giáo viên tiểu học đã được thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện việc tiếp nhận.
UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện khẩn trương tổng hợp nhu cầu tuyển dụng và xây dựng kế hoạch đề nghị Sở Nội vụ phê duyệt trong tháng 5-2023. Các địa phương đã triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tổ chức tuyển dụng trong tháng 7-2023 để có giáo viên bố trí vào đầu năm học. Ngoài ra, tại Công văn số 1688/UBND-SNV ngày 7-4-2023, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo hình thức xét tuyển.
Theo đó, các địa phương không tổ chức thi vòng 1 các môn điều kiện (theo hình thức trắc nghiệm) mà chỉ tổ chức môn thi nghiệp vụ, chuyên ngành tại vòng 2. Đồng thời, theo chỉ đạo của UBND thành phố, các địa phương được chủ động tổ chức tuyển dụng viên chức nhiều đợt trong năm học để bảo đảm tuyển dụng đủ số lượng theo nhu cầu.
Cũng theo bà Thuận, năm học này, các đơn vị được tuyển dụng hơn 500 giáo viên theo dạng hợp đồng. Những trường hợp hợp đồng này được trả lương theo bậc viên chức đang hưởng và bảo đảm quyền lợi như viên chức.
“Để bảo đảm nguồn lực giáo viên trong thời gian tới, Sở GD&ĐT đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, xây dựng kế hoạch nâng trình độ chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng đề án thí điểm tự chủ ở một số đơn vị trường học”, bà Thuận nói.
NGỌC HÀ