Trong kế hoạch nhiệm vụ hằng năm và chiến lược phát triển từng giai đoạn, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động quản trị, hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học. Đây cũng là hướng đi phù hợp khi giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngành giáo dục cùng hưởng ứng chuyển đổi số tại diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Microsoft tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thay đổi phương pháp dạy, học
Những năm gần đây, bài giảng điện tử, giáo án điện tử trở nên quen thuộc đối với giáo viên. Nhớ lại những ngày đầu làm quen với giáo án điện tử, cô Nguyễn Thị Hồng Luyến, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho rằng còn không ít khó khăn. Bản thân mỗi giáo viên tự tìm hiểu về cách thiết kế, xây dựng bài giảng, từ các phần mềm ứng dụng cho đến cách tổ chức nội dung, các bài tập đi kèm làm sao cho sinh động nhất.
“Đến bây giờ thì chuyển đổi số dần hiện hữu trong các cơ sở giáo dục. Hầu hết giáo viên biết xây dựng những tiết học, chuyên đề có ứng dụng công nghệ để làm mới những bài giảng của mình như: Plicker, Classpoint, Canva, QR code, video tương tác… Ngoài ra, việc nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cũng tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh trải nghiệm công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục toàn diện”, cô Luyến nói.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hằng năm, đơn vị tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp thành phố với hàng nghìn bài giảng đoạt giải cao. Các bài giảng đoạt giải được đưa lên kho học liệu số để giáo viên, học sinh tham khảo, nhất là những bài giảng thuộc chương trình, sách giáo khoa đã góp phần làm giàu cho kho học liệu số của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài đổi mới phương pháp dạy học, đến nay, các trường phổ thông đã sử dụng phần mềm sổ điểm điện tử, phần mềm phổ cập giáo dục, phần mềm cộng tính điểm, phần mềm tuyển sinh trực tuyến, phần mềm kế toán, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử. Các trường mầm non sử dụng hiệu quả các phần mềm về dinh dưỡng.
Hệ thống website, fanpage của các trường đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định, nội dung được cập nhật thường xuyên, kịp thời và phong phú. Hiện có hơn 180 cơ sở giáo dục, với khoảng chừng 280.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên đại học được gắn mã định danh và được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, ngành giáo dục thành phố luôn xác định chuyển đổi số là một trong các nội dung quan trọng đối với ngành. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy, đánh giá, kiểm tra và quản lý… giúp chất lượng dạy, học ngày càng nâng cao.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng đã tăng sự hứng thú cho học sinh. TRONG ẢNH: Một giờ học của học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu). Ảnh: NGỌC HÀ |
Các trường đại học thích ứng chuyển đổi số
Ở bậc đại học (ĐH), các trường thành viên ĐH Đà Nẵng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo trong điều kiện mới. Phần lớn các môn học (đề cương, bài giảng) được biên soạn với nội dung có thể triển khai giảng dạy được cho cả trực tuyến (online) và trực tiếp (onsite). Một số môn học có thể tham khảo hoặc sử dụng nguồn học liệu, tài liệu từ các trường ĐH tiên tiến trên thế giới.
Sớm đón đầu xu hướng phát triển của một số ngành trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đã mở một số ngành mới nhằm cung ứng nhân lực cho thị trường lao động trong tương lai. Trường ĐH Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đào tạo một số ngành chuyển đổi số như: Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế mỹ thuật số, Công nghệ kỹ thuật máy tính và điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số (e-Tourism), Quản trị logistics và chuỗi cung ứng số (e-logistics)… Nhà trường còn thành lập Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI) để nghiên cứu khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông minh và chuyển đổi số.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035, thành lập các ngành mới để nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Trong đó, thành lập khoa Công nghệ số đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, triển khai các dự án nghiên cứu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.
Trường ĐH Kinh tế mở mới các ngành marketing số, thương mại điện tử, khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số, quản trị logistics và chuỗi cung ứng số. Trường ĐH Bách khoa hình thành khoa Khoa học dữ liệu và AI, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử viễn thông; dự kiến công bố chương trình đào tạo công nghệ vi mạch trong quý 4-2023…
Theo PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, chuyển đổi số là động lực phát triển, hướng đi mới để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH), ĐH Đà Nẵng đã chủ động, tích cực triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số, trọng tâm trên 3 “trụ cột”: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chuyển đổi số và đổi mới quản trị ĐH. Đối với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số, ĐH Đà Nẵng hiện có các nhóm nghiên cứu - giảng dạy (TRT) hoạt động tích cực trong các lĩnh vực: IoT, AI, Cloud Computing/Communications, Big Data…
Hằng năm triển khai khoảng 20 đề tài KHCN các cấp liên quan đến chuyển đổi số, công bố nhiều công trình kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế (WoS/Scopus). ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực đào tạo, NCKH và quản trị ĐH. Hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cho chuyển đổi số; thúc đẩy tăng cường kết nối mạng lưới tư vấn chuyên gia, nghiên cứu để các nhà khoa học trong nước và quốc tế gắn kết với các địa phương, doanh nghiệp để tham gia giải quyết các vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa thời sự, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
NGỌC HÀ