Các trường đại học tính toán lại phương thức tuyển sinh?

.

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn thi (hiện nay 6 môn) sẽ làm giảm tổ hợp xét tuyển vào đại học của các thí sinh. Với phương án thi tốt nghiệp mới, các trường phải tính toán bổ sung thêm các tổ hợp mới phù hợp cũng như phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển.

Học sinh Trường THPT Sơn Trà trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường THPT Sơn Trà trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ làm giảm tổ hợp xét tuyển vào đại học của các thí sinh. Ví dụ, năm trước thí sinh thi tốt nghiệp gồm các môn Văn, Toán, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) thì khối tự nhiên các em sẽ có ít nhất 7 tổ hợp truyền thống để xét tuyển như: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), B08 (Toán, Sinh học, tiếng Anh).

Trong khi đó, theo phương án 2+2 thí sinh chỉ có 1-2 tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Ví dụ như thí sinh chọn 2 môn lựa chọn là Hóa học, Sinh học thì chỉ có 1 tổ hợp là B00 (Toán, Hóa học, Sinh học). Nếu học sinh chọn tiếng Anh, Vật lý thì có 2 tổ hợp là D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh). Thậm chí một số tổ hợp xét tuyển sẽ không còn nữa, ví dụ tổ hợp D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, tiếng Anh).

Theo TS. Nguyễn Linh Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), các tổ hợp xét tuyển của thí sinh giảm chắc chắn có tác động đến nhà trường trong công tác tuyển sinh đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, nhà trường sẽ nghiên cứu, tính toán để điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi này.

“Về phương thức tuyển sinh, nhà trường có thể giữ ổn định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhưng sẽ xem xét điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển theo hướng tăng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực và tuyển sinh theo đề án riêng. Đối với phương thức xét điểm thi THPT, nhà trường điều chỉnh lại các tổ hợp xét tuyển theo hướng chọn các tổ hợp phù hợp với yêu cầu của các ngành đào tạo; trong đó có thể cân nhắc bổ sung những tổ hợp mới có các môn như Tin học, Công nghệ. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh bảo đảm chất lượng đầu vào thì cần có thêm nhiều thông tin, dữ liệu từ số lượng thí sinh đăng ký học các tổ hợp tự chọn ở bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới để có thể phân tích, đánh giá và có cơ sở lựa chọn các tổ hợp môn xét tuyển phù hợp”, TS. Nguyễn Linh Nam cho biết.

Tương tự, PGS.TS Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, phương án thi tốt nghiệp mới cũng là cơ hội để các trường đại học bổ sung các tổ hợp mới, phù hợp với ngành nghệ đào tạo của mình. Ví dụ như khối kinh tế, luật có thể bổ sung tổ hợp trong đó có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật; khối công nghệ thông tin có thể bổ sung tổ hợp trong đó có môn Tin học...

“Điều này giúp các thí sinh phát huy được sở trường của mình và theo học được đúng ngành mà mình yêu thích. Bên cạnh đó, việc thí sinh chỉ tập trung cho 4 môn thi thay vì phải thi 6 môn như hiện nay giúp thí sinh cân nhắc chọn tổ hợp thế mạnh của mình. Do vậy, dù có giảm tổ hợp xét tuyển nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội của thí sinh”, PGS.TS Lê Văn Huy cho biết.

Còn theo phân tích của Th.S Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), phương thức thi tốt nghiệp mới có thể làm hẹp số tổ hợp thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, việc này có làm hạn chế nguyện vọng của thí sinh không, cần xem xét các yếu tố tác động đến nguyện vọng. Như quy định hiện hành, số lượng nguyện vọng cho một tổ hợp là không giới hạn. Thí sinh có thể chọn nguyện vọng cho một ngành mình mong muốn ở nhiều trường đại học khác nhau. “Có một thực tế, không ít thí sinh lựa chọn các ngành đào tạo khác nhau, ở cùng trường hay khác trường. Điều này chưa phù hợp. Thí sinh nên chọn 1 - 2 ngành nhất định phù hợp với bản thân và gia đình; sau đó có thể đăng ký các nguyện vọng cho ngành này ở nhiều trường khác nhau để bảo đảm mình được học ngành phù hợp nhất. Từ đó, tác động của việc giảm số lượng tổ hợp là không đáng kể”, ThS Nguyễn Vinh San nhìn nhận.

Cũng theo ThS Nguyễn Vinh San, nhiều cơ sở giáo dục đại học xây dựng 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành cần công bố sớm để học sinh có thể lựa chọn, định hướng trước. Bản thân các trường đại học cũng phải thích ứng với sự thay đổi nên sẽ tạo cơ hội cho thí sinh trong phạm vi quyền tự chủ tuyển sinh của mình.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.