Nhằm hạn chế tình trạng giảng viên sau khi đi học ở nước ngoài không trở về nước công tác cũng như thu hút giảng viên giỏi, người có tài, các cơ sở giáo dục đại học không ngừng nỗ lực cải thiện chính sách, môi trường làm việc.
Thu hút, giữ chân giảng viên giỏi được các trường đại học chú trọng. TRONG ẢNH: Buổi thảo luận nghiên cứu khoa học giữa các giảng viên của Trường Đại học Kinh tế. Ảnh: NGỌC HÀ |
Năm 2019, khi đang là giảng viên Khoa Marketing, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), thạc sĩ Trương Đình Quốc Bảo (SN 1990) chủ động tìm và xin học bổng đi du học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Từ năm 2019 đến 2023, anh hoàn thành nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ của Trường ĐH Quốc lập Trung ương (Đài Loan, Trung Quốc). Mới đây, anh là một trong số 4 tiến sĩ trở về Trường ĐH Kinh tế công tác sau thời gian học tập ở nước ngoài. Tiến sĩ Bảo là cựu sinh viên Khoa Marketing và trở thành giảng viên của khoa vào năm 2017. Trong suốt thời gian công tác, anh đã muốn gắn bó lâu dài với đơn vị. “Khi xin học bổng, tôi cũng trình bày rõ mục đích là nâng cao chuyên môn để trở về cống hiến cho nhà trường”, tiến sĩ Bảo bày tỏ.
Theo tiến sĩ Quốc Bảo, để giữ chân giảng viên có trình độ, giảng viên giỏi, các cơ sở giáo dục đại học cần bảo đảm thu nhập của giảng viên so với các ngành nghề khác đòi hỏi trình độ tương đương. Đồng thời, có chính sách quản trị nhân sự minh bạch, công bằng; việc phân loại giảng viên cần phải được làm nghiêm túc, chỉnh chu, bảo đảm phân bổ đúng và hiệu quả nguồn lực cho nhóm giảng viên có trình độ, giảng viên giỏi; đổi mới quản trị đại học theo hướng tinh gọn, số hóa quy trình, giảm bớt thủ tục hành chính, phân quyền cho các tổ chuyên môn, đầu tư vào liên kết và kết nối doanh nghiệp.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học công lập, nhất là đơn vị tự chủ đã có nhiều giải pháp đối với giữ chân cũng như thu hút giảng viên giỏi. Theo PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, nhà trường luôn có các chính sách ủng hộ và khuyến khích các giảng viên trau dồi và nâng cao năng lực chuyên môn. 100% giảng viên của nhà trường có trình độ từ thạc sĩ trở lên và 85% giảng viên nhận bằng sau đại học từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Úc, Nhật Bản... Nhà trường đã ban hành nhiều chính sách đãi ngộ với sự cân đối giữa giờ giảng và giờ nghiên cứu khoa học, duy trì chính sách trả giờ giảng, phụ cấp tăng qua các năm.
Ngoài ra, các chính sách thưởng cho công bố quốc tế tiếp tục được vận dụng khoa học như là một trong những đòn bẩy để kích thích nghiên cứu, sáng tạo trong cộng đồng giảng viên. Trường ĐH Kinh tế hỗ trợ cho các giảng viên, nghiên cứu viên mới được tuyển dụng là 1,5 triệu đồng/ tháng/người đối với thạc sĩ và 2 triệu đồng/tháng/người đối với tiến sĩ trong 3 năm đầu tiên; giảng viên, nghiên cứu viên hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại nước ngoài, trường hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/người trong 6 tháng đầu kể từ ngày có quyết định tiếp nhận trở lại công tác.
Trường Đại học Kinh tế vinh danh 4 tân tiến sĩ học tập quay trở lại công tác. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), giảng viên mới tuyển dụng vào trường nếu chưa có nhà ở tại thành phố sẽ được hỗ trợ chỗ ở tại nhà khách của trường trong thời gian 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng làm việc. Tiến sĩ Huỳnh Phương Nam, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, ĐH Đà Nẵng có nhiều chính sách thu hút, giữ chân người tài. Nhằm động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy sự năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo động lực làm việc, hằng năm ĐH Đà Nẵng khen thưởng thường xuyên và đột xuất cho các cá nhân, tập thể cán bộ, viên chức có thành tích trong năm học.
ĐH Đà Nẵng và thủ trưởng các đơn vị thành viên quyết định mức kinh phí trích lập cụ thể hằng năm để chi cho khen thưởng. Đồng thời, ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên tổ chức vinh danh đối với các tân giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và có trích kinh phí khen thưởng có thể lên đến mức 50 triệu đồng đối với phó giáo sư, 100 triệu đồng đối với giáo sư. Bên cạnh đó, thực hiện nhiều chính sách để giảng viên học tập nâng cao trình độ, luôn khuyến khích, tạo điều kiện để giảng viên đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín trong nước và nước ngoài theo các đề án có sử dụng ngân sách Nhà nước, các chương trình học bổng hiệp định và một số học bổng song phương.
Đối với giảng viên đi học sau ĐH tại nước ngoài, trong thời gian đi học toàn thời gian ở nước ngoài, được chi trả 40% mức lương hiện hưởng, được trích đóng bảo hiểm xã hội, được tính là thời gian công tác liên tục tại đơn vị. Đối với giảng viên đi học sau ĐH trong nước, giảng viên được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo quy định, được miễn giảm giờ chuẩn giảng dạy; được hỗ trợ 50% học phí, được hỗ trợ kinh phí làm luận án, được thanh toán tiền tàu xe, hỗ trợ tiền ăn khi đi học ở ngoại tỉnh. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, được ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên tổ chức vinh danh, khen thưởng theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Nhờ đó, nhiều giảng viên đi học tập tại nước ngoài đã quay về tiếp tục cống hiến.
Nhiều người trở lại đơn vị tiếp tục công tác Đến nay, có 112 người hoàn thành chương trình đào tạo, về đơn vị công tác. Hiện ĐH Đà Nẵng có 1.616 giảng viên, trong đó có 736 tiến sĩ (45,54%), có 863 thạc sĩ (53,4%), 104 phó giáo sư (6,44%) và có 7 giáo sư (0,43%). Từ năm 2020 đến nay, ĐH Đà Nẵng tuyển dụng và tiếp nhận 5 phó giáo sư, 64 tiến sĩ và 152 thạc sĩ. |
NGỌC HÀ