Tăng cường thu hút sinh viên quốc tế đến Đà Nẵng học tập

.

Những năm qua, công tác quản lý, đào tạo lưu học sinh tại các đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng không ngừng nâng cao. Nhờ đó, thu hút ngày càng nhiều lưu học sinh từ các quốc gia đến Đà Nẵng học tập.

Anh Kiengcay Umvong, hiện là chuyên viên thanh tra bảo đảm chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục - Thể thao tỉnh Attapư, Lào), từng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Sau khi tốt nghiệp đại học, anh học cao học và lấy bằng thạc sĩ tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, khi quyết định làm nghiên cứu sinh, anh Umvong chọn ngôi trường đầu tiên mà anh đã theo học. Đề tài luận án tiến sĩ mà nghiên cứu sinh Kiengcay Umvong đang thực hiện là “Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trường phổ thông tại 4 tỉnh Nam Lào”.

“Các thầy cô hướng dẫn, hỗ trợ hết mình trong học tập, nghiên cứu. Trường Đại học Sư phạm có chính sách bố trí ăn, ở rất chu đáo, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Nhờ đó, tôi tập trung vào làm việc và nghiên cứu. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt luận án; mang kiến thức tích lũy được từ Việt Nam về quê nhà, chăm lo xây dựng hệ thống giáo dục địa phương”, anh Umvong nói.

Tương tự, Cho Hanbe (người Hàn Quốc), hiện là sinh viên năm thứ 4 (Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng). Cả gia đình chuyển đến Đà Nẵng sinh sống vì công việc của bố, Cho Hanbe tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đại học của mình tại thành phố biển này. Theo Cho Hanbe, lúc đầu, sinh viên ngoại quốc khó khăn để học ngôn ngữ mới và thích nghi tại môi trường mới. Nhưng thầy cô, bạn bè luôn sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ; đồng thời các hoạt động chào đón sinh viên, học kỳ quân sự, ngày hội văn hóa, giao lưu thể thao… đã giúp Cho Hanbe cũng như các lưu học sinh tự tin hơn rất nhiều.

Năm học 2022-2023, Đại học Đà Nẵng đào tạo 717 sinh viên và học viên người nước ngoài theo học tại các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc. Trong đó, phần đông là đến từ các quốc gia Đông Nam Á và châu Á; còn lại đến từ Úc, Vương quốc Anh, Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Thụy Sỹ, Litva, Hungary, Thụy Điển, Đức, Nigieria. Theo ThS. Hồ Lộng Ngọc, Phó trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (Đại học Đà Nẵng), những năm qua, công tác quản lý, đào tạo lưu học sinh luôn được sự quan tâm, chăm lo của các cấp lãnh đạo Đại học Đà Nẵng.

Các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, quản lý, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất hỗ trợ đồng hành để lưu học sinh yên tâm học tập, rèn luyện với nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp, đa dạng. Đồng thời, chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế với nhiều đối tác, ngày càng có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho lưu học sinh, thực tập sinh và triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác để tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế.

PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đào tạo sinh viên quốc tế được xem là một trong những nội dung chiến lược không những đem lại giá trị cho người học, kết nối, trao đổi phát triển học thuật, mà còn góp phần nâng cao uy tín, kiến tạo môi trường quốc tế hóa giáo dục đại học, đóng góp tích cực cho các mối quan hệ gắn kết, hợp tác bền vững trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

“Thời gian tới, các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc tiếp tục cải tiến hoạt động quảng bá, giới thiệu các chương trình đào tạo, công tác đào tạo, hỗ trợ lưu học sinh; kiến tạo môi trường học tập, sáng tạo tiện nghi, thân thiện, tôn trọng tính đa dạng văn hóa để Đại học Đà Nẵng ngày càng trở thành điểm đến uy tín, hấp dẫn và thu hút nhiều lưu học sinh, thực tập sinh quốc tế”, PGS.TS. Lê Quang Sơn nói.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.