Cần đưa giáo viên mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc

.

Thời gian làm việc của giáo viên mầm non thường kéo dài 10-11 tiếng/ngày, trong khi Luật Lao động chỉ quy định 8 tiếng/ngày. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kiến nghị đưa giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là hợp lý.

Một giờ học ngoài trời của các cháu Trường Mầm non Họa Mi (quận Liên Chiểu).  Ảnh: NGỌC HÀ
Một giờ học ngoài trời của các cháu Trường Mầm non Họa Mi (quận Liên Chiểu). Ảnh: NGỌC HÀ

Nhọc nhằn nghề giữ trẻ

Một ngày làm việc của giáo viên mầm non bắt đầu từ khoảng 6 giờ 30 sáng. Các cô phải có mặt ở trường để chuẩn bị các công việc vệ sinh phòng học, nhận nước uống, đồ ăn sáng của trẻ và buổi chiều chỉ rời trường khi phụ huynh cuối cùng nhận cháu về. Cô Nguyễn Thị Loan (47 tuổi), giáo viên Trường Mầm non Họa Mi (quận Liên Chiểu) chia sẻ, dù giờ đón trẻ là 17 giờ, nhưng nhiều phụ huynh làm về muộn, các cô đôi khi trông đến hơn 18 giờ là chuyện bình thường. “Nhiều cô có con ở độ tuổi mẫu giáo thì xin gửi ngay tại trường cho thuận tiện. Nhưng với các cô có con độ tuổi từ bậc tiểu học trở lên thì phải nhờ người khác đưa đón. Vì thế người ta hay nói có mẹ là giáo viên mầm non chưa lo cho con mình được, đã phải đến trường để đón con người khác”, cô Loan bộc bạch.

Hơn mấy chục năm theo nghề, câu chuyện của cô Lê Thị Thủy (52 tuổi), Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) thấm thía nỗi vất vả của giáo viên mầm non. Từ ba năm nay, cô Thủy được phân công đứng lớp trẻ dưới 18 tháng hoặc nhóm lớp 18 đến 24 tháng. “Ở độ tuổi này, những ngày mới đến lớp, hầu như bé nào cũng khóc vì xa mẹ lần đầu. Có những trẻ những ngày đầu làm quen với môi trường mới, phải có một giáo viên bế ẵm. Có cháu cô chưa kịp cho ăn đã khóc ré lên, có bé cô vừa cho cháo vào miệng đã phun hết ra, cháo bắn cả lên mặt, lên áo quần. Rồi đến công đoạn cô giáo phải dẫn các cháu đi tắm rửa, cứ xoay quần hết bé này đến bé khác”, cô Thủy kể.

Ngoài giờ dạy học, các cô còn phải lo dọn vệ sinh, trang trí phòng học. Không có thời gian chuẩn bị đồ chơi cho các buổi học, các cô lại mang về nhà làm. Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Rạng Đông (quận Sơn Trà) nhìn nhận: áp lực từ phụ huynh, xã hội và nhiều việc không tên khác… đó là đặc thù của nghề giáo viên mầm non. Nhiều kỹ năng như tự phục vụ, kỹ năng xã hội… của trẻ đều được đặt nền móng ở giai đoạn này. Vừa dạy vừa chăm sóc, nuôi dưỡng, thời gian ở trường của giáo viên mầm non chiếm nhiều hơn so với giáo viên các cấp học khác”, cô Tâm nói.

Tương tự, cô Lê Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (quận Liên Chiểu) cho rằng: “Giáo viên mầm non khá vất vả. Đến độ tuổi từ 40 tuổi trở lên thì không bảo đảm sức khỏe, sự linh hoạt trong chăm sóc các cháu”.

Nên có cơ chế đặc biệt

Thấu hiểu nỗi vất vả, đặc thù ở bậc học mầm non, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa giáo viên mầm non vào danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được các nhà quản lý, giáo viên mầm non đồng tình. Theo Luật lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ngoài việc được hưởng quyền lợi khác so với nghề thông thường về chế độ nghỉ phép, ốm đau, phụ cấp, còn được nghỉ hưu thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi. “Nếu kiến nghị của Bộ GD&ĐT được chấp thuận là tin vui của giáo viên mầm non. Trước hết, những nhọc nhằn, khó khăn của chúng tôi được ghi nhận. Hơn nữa, tôi cũng mong độ tuổi nghỉ hưu sẽ rút ngắn so với các ngành nghề khác hoặc giáo viên của các bậc học khác. Chứ theo cách tính tuổi nghỉ hưu hiện nay, sợ đến lúc đó tôi còn sức khỏe để chăm các cháu tốt hay không”, cô Nguyễn Thị Loan chia sẻ. 

Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết, giáo viên mầm non đảm đương nhiệm vụ dạy và chăm sóc cấp học nhỏ nhất, nên các cô lao động vất vả và đặc thù nặng nhọc về nghiệp vụ nghề. Do đó, giáo viên mầm non cần được quan tâm nhiều hơn. Ngành giáo dục và đào tạo các địa phương cũng từng kiến nghị đến các cấp đưa giáo viên mầm non vào danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nếu kiến nghị của Bộ GD&ĐT được chấp thuận thì đây là tin vui không chỉ những người làm công tác quản lý giáo dục mà cả giáo viên mầm non.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích