Học văn hóa, lịch sử bằng trải nghiệm trực quan

.

Ngoài việc học lý thuyết ở trường, học văn hóa, lịch sử bằng những trải nghiệm thực tế tại di tích, bảo tàng, làng nghề, rạp phim, giúp học sinh có được cảm nhận mới mẻ, lý thú và dễ tiếp thu. Hình thức học tập này đã và đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giáo dục và khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm trong thế hệ trẻ.

Đà Nẵng là địa phương có nhiều hình thức giáo dục văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ ngoài nhà trường. TRONG ẢNH: Học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử thành phố tại Bảo tàng Đà Nẵng.Ảnh: X.D
Đà Nẵng là địa phương có nhiều hình thức giáo dục văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ ngoài nhà trường. TRONG ẢNH: Học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử thành phố tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: X.D

Đa dạng hình thức giáo dục

Cơn sốt của bộ phim “Đào, Phở và Piano” thời gian gần đây là một minh chứng cụ thể cho việc giới trẻ rất yêu lịch sử, vấn đề là khơi dậy điều đó như thế nào. Bộ phim này vốn là phim tài liệu về lịch sử, chiến tranh và không được phổ biến, truyền thông rộng rãi. Thế nhưng, bằng một số lý do, bộ phim này bỗng trở thành “phim hot” được giới trẻ săn đón. Tại Đà Nẵng, phim được rạp Lê Độ chiếu từ ngày 25-2, song từ ngày 24-2, hàng trăm người dân, đa phần là giới trẻ đã xếp hàng dài trước rạp và chờ nhiều giờ liền để mua vé. Mỗi ngày, rạp Lê Độ chiếu 3-4 suất, liên tục cho đến nay và gần như suất chiếu nào cũng kín chỗ.

Em Nguyễn Thị Phương Mai, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Nội dung phim có nhiều tình tiết rất cảm động, gắn với dấu mốc lịch sử của dân tộc. Qua bộ phim, em càng thêm cảm phục sự kiên cường, bất khuất của ông cha ta trong quá trình đấu tranh, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Em nghĩ rằng, những bộ phim như trên nên được phổ biến rộng rãi hơn để các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận, hiểu thêm về lịch sử nước nhà”.

Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên đưa bộ phim “Đào, Phở và Piano” về chiếu phục vụ người dân, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài phim ảnh, thành phố còn có nhiều hình thức giáo dục văn hóa, lịch sử cho học sinh không qua sách vở như: tìm về địa chỉ đỏ, tham quan di tích văn hóa - lịch sử, bảo tàng; các cuộc thi tìm hiểu kiến thức; đưa tuồng vào học đường… Trong số đó, hình thức tham quan bảo tàng, hay giờ học ngoại khóa tại bảo tàng được ngành giáo dục - đào tạo và ngành văn hóa phối hợp tổ chức từ nhiều năm nay.

Theo Bảo tàng Đà Nẵng, hoạt động “Giờ học ngoại khóa” ra đời từ năm 2014 với mục đích tạo ra những giờ học sinh động cho học sinh qua các tài liệu, hiện vật được trưng bày. Hầu hết nội dung các chuyên đề giáo dục có sự gắn kết giữa môn giáo dục lịch sử địa phương của các bậc học với nội dung trưng bày của bảo tàng, đáp ứng được nhu cầu học tập thực tế của các em. Tham gia hoạt động, các em được cung cấp kiến thức lịch sử qua các trò chơi tìm hiểu, phần thi hùng biện, vận động. Cách truyền tải trực quan, sinh động và gợi mở này giúp học sinh hứng thú hơn với kiến thức lịch sử của địa phương và dân tộc, khơi dậy niềm yêu thích, say mê học môn lịch sử, cũng như tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

Cụ thể hóa kiến thức từ sách vở

Thời gian gần đây, các trường THCS, THPT còn đẩy mạnh hoạt động đưa học sinh về tìm hiểu, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Từ năm 2023 đến nay, hàng chục đoàn học sinh từ các trường học trên địa bàn thành phố đã đến cơ sở kinh doanh Hương làng cổ của anh Bùi Thanh Phú, trú phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) để tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm nước mắm Nam Ô - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tương tự, một số nhà trường cũng đưa học sinh đến tìm hiểu nghề làm nước mắm truyền thống tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Mười, trú phường Mân Thái (quận Sơn Trà). Tại những nơi này, các em được giới thiệu về cách làm nước mắm truyền thống, tự tay trộn nguyên liệu, làm thành phẩm và mang những hũ mắm do chính tay mình làm ra về làm quà cho gia đình.

Ông Huỳnh Văn Mười chia sẻ: “Trong đời sống hiện đại, nếu lớp trẻ không quan tâm đến nghề truyền thống thì nghề và sản phẩm sẽ bị mai một. Sản phẩm của mỗi địa phương phải được người dân biết, hiểu và đánh giá đúng thì giá trị sản phẩm mới được bền vững, lan tỏa xa hơn được. Chúng tôi sẵn sàng đón học sinh đến tìm hiểu, tham quan, giúp cho việc học văn hóa, lịch sử của các em trở nên sinh động hơn. Ngoài ra, cho các em tự tay làm sản phẩm nên sẽ thấy trân trọng hơn và ấn tượng hơn”.

Môn học giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục mới đòi hỏi học sinh phải có kiến thức về nhiều mặt như: lịch sử, địa lý, xã hội, làng nghề truyền thống… Vì vậy, các trường học trên địa bàn đang nỗ lực triển khai hoạt động ngoại khóa đi tìm hiểu làng nghề cho các em học sinh.

Theo cô giáo Thân Thị Thư (Trường THPT Thanh Khê, quận Thanh Khê), việc đưa học sinh đi thực tế tại các làng nghề truyền thống có ý nghĩa rất lớn, không chỉ bổ trợ bài học trên lớp cho các em, tăng cường vốn kiến thức xã hội, mà còn nâng cao kỹ năng giao tiếp, trao đổi, điều mà lứa tuổi của các em đang rất cần. Ở trường, các em học lịch sử, xã hội qua môn học giáo dục địa phương, nhưng chủ yếu thuyết trình, chia sẻ tại lớp. Hoạt động trải nghiệm làng nghề giúp các em có cái nhìn thực tế, quan sát cụ thể và gặp gỡ người thật, việc thật. Qua đó nhớ nhanh và lâu hơn.

“Những buổi học ngoại khóa trước hết giúp các em có thêm hiểu biết xã hội, sau đó là bồi đắp tình yêu đất nước, giá trị cuộc sống, nét đẹp văn hóa của địa phương. Các em phải biết quê hương mình có bản sắc văn hóa gì đặc biệt để tự hào, trân trọng. Với nghề truyền thống, các em còn có trách nhiệm giữ gìn và phát huy nghề đó trong tương lai”, cô Thư chia sẻ.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích