Tuyển sinh lớp 10: Trường công lập không phải lựa chọn duy nhất

.

Năm học 2024-2025, toàn thành phố có 11.916 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập, chiếm khoảng hơn 65% tổng số học sinh lớp 9 của 69 trường THCS (hơn 18.000 học sinh). Với hơn 6.000 học sinh không đỗ các trường THPT công lập, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, năng lực, sở thích…, phụ huynh, học sinh có thể lựa chọn các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học tập.

Học sinh trường ngoài công lập tham gia kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố cùng các trường THPT công lập. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh trường ngoài công lập tham gia kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố cùng các trường THPT công lập. Ảnh: NGỌC HÀ

Trường ngoài công lập nâng cao chất lượng dạy học

Những năm qua, các cơ sở giáo dục ngoài công lập từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận học sinh thành phố. Trường Phổ thông Hermann Gmeiner có tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn hơn  60%; tỷ lệ học sinh yếu, kém chỉ chiếm 1,21%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2023 đạt 99,63%. Học sinh nhà trường tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, năng khiếu, khoa học của thành phố và đạt nhiều thành tích ấn tượng, gồm: 51 giải học sinh giỏi, năng khiếu các cấp, đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo robot dành cho học sinh THPT cấp thành phố năm 2022 và đoạt giải Sáng tạo năm 2023; đoạt 1 giải Ba, 2 giải Tư cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2023-2024...

Cô Nguyễn Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2024-2025, trường 315 chỉ tiêu (7 lớp), không tăng chỉ tiêu so với năm học trước, nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào. Đội ngũ giáo viên nhà trường không ngừng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo thầy Đinh Lương Y, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) số 2, thời gian qua, trung tâm cũng triển khai nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng học sinh. Ngay từ đầu năm học, trung tâm xây dựng và thực hiện kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém; khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Đồng thời đầu tư bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 12 để dự thi học sinh giỏi cấp thành phố. Với học sinh lớp 12, trung tâm có kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT phù hợp.

Chỉ trong 5 năm, các chỉ số về chất lượng giáo dục của trung tâm đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng tăng từ 80 lên 98%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng từ 10 lên 40%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng từ 40 lên 75%. Hai năm trở lại đây, Trung tâm GDTX số 2 đưa môn giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy trong chương trình chính khóa; sân khấu hóa tiết chào cờ; hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao... được tổ chức thường xuyên hơn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, tạo thêm động lực học tập cho học sinh.

Đẩy mạnh tư vấn học nghề

Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng tại các trường THCS trên địa bàn thành phố. Theo ông Nguyễn Văn Như, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, nhằm thu hút học sinh THCS học nghề, trong các buổi tư vấn tuyển sinh, nhà trường thông tin những lợi ích từ chương trình học đối với học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề như: miễn phí 100% học nghề, thời gian hoàn thành bằng cao đẳng chỉ trong vòng 4 năm…

Đồng thời, nhà trường cam kết cùng đồng hành trong công tác giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh. “Những năm gần đây, phụ huynh, học sinh đã có góc nhìn khác về chọn con đường học nghề. Tuy nhiên, con số vẫn chưa đạt được như đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 của UBND thành phố”, ông Như thông tin.

Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu) cũng cho rằng, hiện nay, mạng lưới trường học THPT công lập trên địa bàn thành phố đáp ứng chưa tới 70% học sinh tốt nghiệp THCS. Vì thế, tại cuộc họp phụ huynh gần đây, nhà trường phân tích chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên toàn thành phố, địa bàn Liên Chiểu, các vùng lân cận, so sánh lượng thí sinh tăng hằng năm và điểm chuẩn đầu vào cùng xu hướng tăng tương ứng…

Đồng thời, nhà trường mời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân tích thị trường lao động, giới thiệu ngành nghề để phụ huynh nắm bắt. “Nhà trường cũng tổ chức thi thử tuyển sinh vào lớp 10 các môn Ngữ văn, Toán, Anh văn. Từ kết quả thi thử và kết quả học tập cuối lớp 9, các em cần biết khả năng của mình tới đâu, đỗ vào trường công hay không? Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong tư vấn cho phụ huynh, học sinh chọn trường dự thi hoặc chọn trường nghề phù hợp với năng lực, điều kiện. Học nghề cũng là hướng đi phù hợp với đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 của UBND thành phố. Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp”, thầy Bửu chia sẻ.

Năm học 2024-2025, có 10 trường THPT ngoài công lập đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 với tổng 3.326 chỉ tiêu, 90 lớp (tăng 376 chỉ tiêu so với năm ngoái). Đồng thời, 3 Trung tâm GDTX xét tuyển 792 chỉ tiêu (18 lớp). Năm học 2024-2025, các trường cao đẳng dành một số chỉ tiêu cho hệ trung cấp như: Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng có 600 chỉ tiêu, với 15 ngành nghề; Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm dành 600 chỉ tiêu, với 11 ngành nghề. Ngoài ra, nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục dạy nghề... tuyển sinh một số ngành nghề đáp ứng nhu cầu học tập theo năng lực, điều kiện kinh tế của học sinh, góp phần chia sẻ áp lực với trường công.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.