Giáo viên "mách nước" cách làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT: Phương pháp làm bài để đạt điểm cao môn khoa học tự nhiên

.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra vào ngày 27 và 28-6. Ở giai đoạn nước rút này, các giáo viên nhiều kinh nghiệm đã đưa ra lời khuyên cho thí sinh khi làm bài thi để tránh mất điểm; có hướng dẫn cụ thể từng môn phù hợp với mục tiêu xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám trong giờ ôn tập cho học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ
Giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám trong giờ ôn tập cho học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ

Trong kỳ đầu tiên này, Báo Đà Nẵng ghi nhận các ý kiến giáo viên bộ môn khoa học tự nhiên (Hóa, Sinh, Lý) hướng dẫn thí sinh những bí kíp làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên để đạt điểm cao.

* Cô Lê Thị Nga, Tổ trưởng bộ môn Sinh, Trường THPT Thái Phiên:

Phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Ngay khi bắt đầu thời gian làm bài, thí sinh nên đọc nhanh một lượt đề bài và làm thật chắc 30 câu đầu của đề thi; những câu có thể trả lời ngay, tô liền vào phiếu trả lời. Thí sinh thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp dành thời gian làm tốt 25 đến 30 câu đầu. Với học sinh sử dụng kết quả thi môn Sinh học để xét tuyển các trường đại học ngoài làm chắc 30 câu đầu còn tập trung làm đúng ở 10 câu vận dụng, vận dụng cao.

Trong đó, đối với các câu hỏi về một quá trình sinh học như: đột biến, tạo giao tử, quá trình tổng hợp protein, hình thành đặc điểm thích nghi, hình thành loài mới... , để có câu trả lời chính xác, thí sinh vẽ sơ đồ theo đúng trình tự các kiến thức bài học rồi đối chiếu với các câu trả lời mà đề đưa ra, từ đó chọn phương án trả lời đúng nhất.

Đối với những câu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề hay giải một bài tập gồm nhiều bước (ví dụ chương về cơ sở vật chất di truyền, công thức...) cũng áp dụng cách làm tương tự như trên. Dùng kết quả tính toán được để so sánh với các câu trả lời để tìm ra đáp án.

Những bài tập quy luật di truyền liên quan đến giới tính, những loài có dấu hiệu đặc biệt (hoán vị chỉ xảy ra ở một  bên đực hoặc cái…) cần chú thích rõ ngay đầu câu hỏi tránh làm lạc hướng. Phần kiến thức vận dụng thực tiễn như ở phần Sinh thái học, cần phân tích kỹ (thường là các bảng biểu) để tránh nhầm lẫn nếu không tinh ý. Cũng như những bài thi khác, thí sinh cần tuân thủ nguyên tắc làm câu dễ trước, câu khó sau và tuyệt đối không được để lại câu hỏi chưa chọn đáp án.

Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám trong giờ ôn tập. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám trong giờ ôn tập. Ảnh: NGỌC HÀ

* Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Tổ trưởng bộ môn Hóa học, Trường THPT Hoàng Hoa Thám:

Làm thông thạo những bài toán đơn giản

Thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản: khái niệm, phân loại, tính chất, ứng dụng thực tế các chất để không làm mất điểm ở những câu dễ. Các khái niệm, công thức, phương trình hóa học cần được nắm chính xác và làm thành tạo những bài toán đơn giải: bài toán 1 dữ kiện, 2 dữ kiện, hỗn hợp, xác định công thức (hay tên nguyên tố), hiệu suất. Thí sinh tuyệt đối không chủ quan; nếu nắm chắc thì thời gian thí sinh giải quyết 32 câu đầu một cách chính xác trong thời gian ít nhất.

Trong đề thường sẽ sắp xếp theo độ khó tăng dần, để làm bài tốt nhất, đối với bài tập lý thuyết tổng hợp: thí sinh nên làm trước; nếu câu nào còn phân vân cần xem xét sau cùng; đối với bài tập thực hành, thí sinh nên nên giải bài tập theo mức độ từ dễ đến khó. Thường câu phân loại nằm ở các bài toán về este và bài toán về kim loại, phi kim hay hợp chất tác dụng với dung dịch axit. Đối với các dạng bài này, các em tóm tắt đề rõ ràng theo sơ đồ và vận dụng các định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron, bảo toàn số mol, pi…Ngoài việc luyện đề, các em cần ôn lại các chuyên đề về lý thuyết trọng tâm và nâng cao; vì trong đề đến gần 75% là lý thuyết.

* Thầy Phan Tiến Dậu, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Trần Phú:

Nắm vững kiến thức, không để sai câu căn bản

Cấu trúc đề thi môn Vật lý gồm 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 30% câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, chương trình Vật lý 11 có 3 câu hỏi lý thuyết thuộc nằm ở cấp độ nhận biết và 1 câu thông hiểu. Các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao vẫn chủ yếu là những câu thuộc chương trình lớp 12.

Với đề thi tham khảo năm nay, những thí sinh đặt mục tiêu 7 điểm, chỉ cần tập trung vào 32 câu đầu tiên. Đây là những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể tự tin với mục tiêu đề ra. Với học sinh có mục tiêu điểm từ 8,5 trở lên thì phải có chiến lược ôn tập thật tốt nội dung kiến thức các phần vận dụng và vận dụng cao. Kiến thức ở mức độ vận dụng cao được thể hiện trong đề tham khảo ở chương trình Vật lý 12 gồm có: dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, điện xoay chiều và sóng ánh sáng. Cụ thể: dao động cơ 1 câu con lắc lò xo và kết hợp đồ thị (câu 38); sóng cơ và sóng âm có 1 câu giao thoa sóng cơ (câu 39); điện xoay chiều: 1 câu về đồ thị điện áp theo thời gian của mạch có điện dung C thay đổi (câu 40); sóng ánh sáng: 1 câu về giao thoa ba bức xạ đơn sắc (câu 37). Học sinh không nên tập trung vào những dạng bài mình hay làm sai hoặc còn yếu. Đặc biệt, các kiến thức căn bản cần nắm vững để không bị mất điểm ở những câu hỏi dễ.

NGỌC HÀ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.