Các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ dồi dào, có chất lượng cao cho thị trường lao động. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của môi trường làm việc đa nền tảng, đa phương tiện, việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo cần được các trường đặc biệt quan tâm.
Ngành công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đang có sự cạnh tranh cao, đòi hỏi chất lượng đào tạo của nhà trường lẫn khả năng tự học của sinh viên. TRONG ẢNH: Ngày hội việc làm tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: NGỌC HÀ |
Sức hút ngành kỹ thuật, công nghệ cao
Là trung tâm đào tạo lớn của miền Trung và cả nước, với đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, chủ yếu tốt nghiệp từ các nước tiên tiến trên thế giới và với hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, Đại học Đà Nẵng luôn chủ động mở các chương trình đào tạo mới để cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Một số ngành, chuyên ngành nổi bật mới mở trong thời gian 3 năm qua như: hệ thống nhúng và IoT, trí tuệ nhân tạo, mô hình thông tin và trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, công nghệ vật liệu nano, thiết kế vi mạch…
Bên cạnh các chương trình đào tạo mới, Đại học Đà Nẵng tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng các ngành đào tạo về công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ thông tin (gần 1.000 chỉ tiêu tại các trường trong năm 2024), kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (330 chỉ tiêu), kỹ thuật điện tử viễn thông (270 chỉ tiêu), kỹ thuật máy tính (220 chỉ tiêu). Ngoài đào tạo toàn thời gian để cấp bằng kỹ sư, cử nhân, các trường thành viên Đại học Đà Nẵng còn phối hợp các công ty công nghệ cao đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu theo yêu cầu của doanh nghiệp, đào tạo chuyển đổi ngành nghề.
“Với kiến thức nền tảng đã được tích lũy tại trường, kỹ sư, cử nhân công nghệ tốt nghiệp từ Đại học Đà Nẵng có thể làm việc ở ngành đúng chuyên môn đào tạo, ngành gần và cùng nhóm ngành khi ra trường. Dù chưa có khóa sinh viên tốt nghiệp từ chương trình đào tạo chip bán dẫn tại Đại học Đà Nẵng, nhưng theo thống kê hiện nay đang có khoảng 7% nguồn nhân lực làm việc trên lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn trên cả nước là cựu sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Đà Nẵng”, PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay.
Ngành công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đang có sự cạnh tranh cao, đòi hỏi chất lượng đào tạo của nhà trường lẫn khả năng tự học của sinh viên. TRONG ẢNH: Ngày hội việc làm tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: NGỌC HÀ |
Cần thích ứng ở mức cao hơn
Cũng theo PGS.TS Lê Thành Bắc, những năm gần đây, Đà Nẵng được biết đến là trung tâm phát triển về công nghệ phần mềm, đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn (ngoài hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội). Doanh thu từ công nghệ phần mềm đang chiếm tỷ trọng lớn của thành phố. Kết quả này nhờ sự có mặt của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàn thành phố. Một trong những yếu tố quan trọng thu hút doanh nghiệp phát triển phần mềm hoạt động trên địa bàn là sẵn có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin dồi dào, có chất lượng được đào tạo từ Đại học Đà Nẵng và một số trường đại học khác.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó cho phép thành phố thành lập Khu thương mại tự do và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, đặc biệt là phát triển công nghệ kỹ thuật cao, sẽ là cú hích lớn để Đà Nẵng có cơ hội thu hút đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có lĩnh vực có thế mạnh của thành phố. Đây không chỉ là tin vui của chính quyền và nhân dân thành phố, mà còn là tín hiệu lạc quan đối với sinh viên của các trường đại học, đặc biệt là sinh viên các ngành công nghệ kỹ thuật sắp tốt nghiệp đóng chân trên địa bàn với nhiều cơ hội việc làm rộng mở tại địa phương.
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Thành Bắc lưu ý, với sự phát triển của công nghệ thông tin và hạ tầng mạng internet tốt, mô hình tổ chức làm việc của các công ty toàn cầu, công ty trong nước gần đây có nhiều thay đổi lớn. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển phần mềm, thiết kế vi mạch, người làm có thể làm việc từ xa, hội họp trực tuyến. Do vậy quan niệm làm việc gần nhà, gần công ty dường như không còn đúng nữa khi kỹ sư, cử nhân hoàn toàn có thể làm việc, viết các ứng dụng out source cho các công ty ở xa hàng trăm, hàng nghìn km.
“Chính môi trường làm việc không khoảng cách này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp về phát triển phần mềm, thiết kế ứng dụng tuyển dụng được người giỏi trên toàn cầu; tạo cơ hội cho kỹ sư, cử nhân giỏi có thể tìm được việc làm tốt dù vẫn làm việc gần nhà. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi nhân lực công nghệ cao cần sẵn sàng thích ứng, cạnh tranh trong môi trường việc làm không khoảng cách”, PGS.TS Lê Thành Bắc chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, có khoảng 70% trên tổng số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam có đào tạo nhóm ngành công nghệ thông tin. Điều này, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng nguồn cung nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Do đó, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ cần được các trường quan tâm trong thời gian tới.
NGỌC HÀ