Học sinh trượt lớp 10 công lập - Cánh cửa nào cho em? Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ để phân luồng hiệu quả

.

Việc định hướng, phân luồng cho học sinh vào lớp 10 cần giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và chung tay của toàn xã hội.

Các trường THCS chủ động phối hợp các cơ sở giáo dục tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. TRONG ẢNH: Ngày hội STEM và tư vấn nghề nghiệp tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC HÀ
Các trường THCS chủ động phối hợp các cơ sở giáo dục tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. TRONG ẢNH: Ngày hội STEM và tư vấn nghề nghiệp tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC HÀ

Nỗ lực nâng cao tỷ lệ học sinh vào lớp 10

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận, sở căn cứ các số liệu về học sinh trong từng độ tuổi có biến động tăng giảm hằng năm để xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp từng giai đoạn. Hiện thành phố có 22 trường THPT công lập, 3 trung tâm giáo dục thường xuyên, đáp ứng khoảng 70% học sinh lớp 10; còn 30% học tại các trường tư thục, trường nghề, các cơ sở dạy nghề bên ngoài. Thực tế trong những năm qua, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 THPT công lập hằng năm của Đà Nẵng luôn nằm trong top cao so với các địa phương trên cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố, ngành giáo dục và đào tạo cũng như các quận, huyện trong việc nâng cao tỷ lệ học sinh vào lớp 10.

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho hay, trên địa bàn huyện có 771 học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025. Hiện nay các em đã gửi hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 3.

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cũng đã chủ trì đối thoại với 34 học sinh, phụ huynh của xã Hòa Bắc để định hướng, phân luồng cho các em tham gia học nghề. Qua buổi đối thoại, có 100% học sinh đã đăng ký học nghề ở các trường nghề như: Trung cấp nghề Ý Việt, Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5. Trên cơ sở thành công ở buổi đối thoại xã Hòa Bắc, UBND huyện và ngành GD&ĐT chỉ đạo 10 xã còn lại đều phải tổ chức mời các trường đào tạo nghề, trường tư thục đến để đối thoại, tư vấn đăng ký học sinh tham gia học nghề (kết hợp học bổ túc văn hóa và học nghề), đến nay các xã đã hoàn thành việc tư vấn học nghề cho tất cả các em không vào lớp 10 công lập. Để giải quyết cho học sinh có cơ sở học nghề gần nhà, theo đề xuất của trường Trung cấp nghề Ý Việt, UBND huyện đã tận dụng các điểm trường lẻ hiện nay không còn sử dụng (do thực hiện dồn ghép điểm trường) để cho các trường nghề mượn tạm để thực hiện tuyển sinh và tổ chức dạy nghề tại đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT được thực hiện khá tốt. Việc phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là trên địa bàn huyện Hòa Vang đã được sở tham mưu UBND thành phố ban hành các quyết định như: Quyết định số 2971/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trên địa bàn thành phố số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 là 69 cơ sở và năm 2030 là 75 cơ sở. Ngoài ra, theo Quyết định số 2971/QĐ-UBND, đến năm 2025 trên địa bàn huyện Hòa Vang có 2 cơ sở, đến năm 2030 có 4 cơ sở. Sở LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND ban hành Quy định danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi và chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH  phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động trên địa bàn thành phố với sự tham gia của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hàng nghìn học sinh lớp 9, 12 tại các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố; hỗ trợ UBND các quận, huyện tổ chức các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp trực tiếp tại các trường THCS trên địa bàn các quận, huyện...

Các hoạt động này góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về học nghề; giúp các em học sinh có những thông tin cần thiết về quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo và chính sách về giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố để định hướng chọn trường, chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực bản thân và gia đình.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trong quá trình thực hiện tuyến bài này, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng cần mở thêm trường THPT công lập nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan tăng số lượng học sinh do tăng dân số cơ học. Song song đó, cần có chính sách phù hợp đối với phân luồng học sinh THCS vào giáo dục nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu, cho biết hằng năm trên địa bàn quận tình trạng tăng dân số cơ học xảy ra liên tục. Chẳng hạn, năm học 2023-2024, trên địa bàn quận có khoảng 2.300 học sinh lớp 9; năm học 2024-2025 con số này tăng lên 2.600 học sinh. Bình quân mỗi năm tăng 300 học sinh lớp 9.

Theo ông Lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, ở địa bàn quận Liên Chiểu cần đầu tư thêm trường, lớp bậc THPT, bởi tâm lý chung của phụ huynh là muốn con em mình hoàn thành chương trình THPT, sau đó phân luồng vào các bậc học khác. Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, các ngành chức năng cần chú trọng đến xây dựng các cơ sở dạy nghề ở các vùng ven; các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho đối tượng học nghề.

“Những năm gần đây, học sinh đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5 trên địa bàn quận ổn định, trong khi đó học sinh học nghề ở những địa điểm cách xa thường bỏ học giữa chừng. Nên chăng, các trường nghề mở thêm cơ sở ở địa bàn Liên Chiểu, Thanh Khê, Hòa Vang, Cẩm Lệ… tạo điều kiện cho các em học sinh vùng ven. Điều quan trọng nhất, học nghề là để phục vụ nghề nghiệp, cuộc sống của các em sau này. Do đó, bài toán đầu ra cần phải được các sở, ngành liên quan làm mạnh mới mong thu hút học sinh học nghề”, ông Lịch nói.

Theo TS. Nguyễn Quý Nhẫn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại, để bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phân luồng học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến địa phương. Đây là trách nhiệm chung của các bộ, ban, ngành; cần phải quan tâm nhiều từ công tác tuyên truyền cho người dân đến các cơ chế, chính sách ràng buộc đối với các trường đại học (như giảm quy mô tuyển sinh đại học; nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn tuyển vào đại học…); cơ chế chính sách cho người học - nhà trường - doanh nghiệp thực hiện công tác phân luồng; cơ chế chính sách về lao động, tiền lương, đãi ngộ… cho người lao động có trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Trong khi đó, bà Lê Thị Bích Thuận cho rằng, việc mở thêm trường THPT công lập trên địa bàn thành phố hiện nay là không thể triển khai, do quy định của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế viên chức giáo dục đến 10%. Đồng thời, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Theo đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 của UBND thành phố, đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp.

Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương đúng đắn để học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Những năm qua, Đà Nẵng có nhiều giải pháp, nỗ lực thực hiện và đạt kết quả rất tích cực. Nhiều học sinh có điều kiện học tập trong môi trường giáo dục hiện đại, cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Tỷ lệ học sinh giỏi và học sinh đoạt giải quốc gia ngày càng tăng. Tuy nhiên, cũng như các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng..., áp lực gia tăng dân số cơ học khiến số lượng học sinh tăng nhanh qua từng năm. Đây là bài toán nan giải về trường lớp, đội ngũ giáo viên. Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như toàn xã hội để tìm ra chính sách, giải pháp phù hợp.

LÊ PHẠM - BÌNH MINH

;
;
.
.
.
.
.