Kết luận số 79-KL/TW - Động lực mới để Đà Nẵng tiếp tục phát triển - Bài 2: Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

.

Đại học Đà Nẵng hiện có khoảng 55.000 sinh viên, học viên chính quy, 600-800 lưu học sinh; tiên phong mở các chương trình đào tạo chất lượng cao... Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng thị trường lao động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề then chốt, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nói chung.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tiếp nhận tài trợ máy móc hiện đại từ doanh nghiệp phục vụ cho quá trình đào tạo sinh viên nhà trường. Ảnh: NGỌC HÀ
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tiếp nhận tài trợ máy móc hiện đại từ doanh nghiệp phục vụ cho quá trình đào tạo sinh viên nhà trường. Ảnh: NGỌC HÀ

Đón đầu xu hướng thị trường

Các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng tiên phong mở mới hoặc điều chỉnh các chương trình đào tạo, ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, thích ứng với nhu cầu nhân lực của cách mạng Công nghiệp 4.0. Hiện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật có quy mô đào tạo hơn 6.000 sinh viên. Mỗi năm có hơn  1.000 người học tốt nghiệp kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, giáo viên kỹ thuật công nghệ góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động không chỉ tại thành phố Đà Nẵng, mà còn cho các địa phương khác trong nước, trong đó có một số sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện tham gia thị trường lao động khu vực và quốc tế. Những năm tuyển sinh gần đây, các ngành Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật ô-tô; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử có tỉ lệ cạnh tranh cao, từ 1:6 đến 1:10. Đây đều là những ngành xã hội có nhu cầu cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ.

“Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, triển khai các ngành nghề đón đầu xu hướng thị trường, nhà trường chú trọng tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế với các trường, viện, doanh nghiệp nước ngoài nhằm góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Thông qua các hoạt động hợp tác này, nhà trường không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên của trường có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm tại nước ngoài mà còn đón các sinh viên quốc tế ở các nước như: Pháp, Thái Lan, Romania… đến tham gia thực tập chuyên môn”, PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, cho biết.

Trong khi đó, dự báo lĩnh vực Công nghệ Tài chính (Fintech) khan hiếm ngành nhân lực chất lượng cao khi Công ty Fintech tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng (từ 44 công ty năm 2017 tăng lên 131 công ty năm 2020). Riêng với Đà Nẵng, đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực” xác định Fintech là cấu phần quan trọng để hình thành, phát triển trung tâm tài chính. Đây được xem là “cú hích” quan trọng, thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển các Công ty Fintech nói riêng, hệ sinh thái Fintech nói chung trên địa bàn thành phố. Do đó, từ mùa tuyển sinh năm học 2022-2023, Trường Đại học Kinh tế đã mở mới ngành Công nghệ Tài chính (Fintech).

Dự báo trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người trình độ từ đại học trở lên. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai, năm 2024, 3 trường đại học thành viên có truyền thống, kinh nghiệm và tiềm lực đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ là Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật…mở ngành mới Thiết kế vi mạch, tuyển sinh khoảng 200 chỉ tiêu. Đại học Đà Nẵng chỉ đạo các trường đại học thành viên tích cực, năng động kết nối với các đối tác uy tín như Tập đoàn Cadence, Công ty Synopsys, Tổ chức Tresemi (Silicon Valley) của Hoa Kỳ… và các chuyên gia trong và ngoài nước mở các khóa đào tạo nhanh cho giảng viên, sinh viên các ngành gần, đáp ứng cung - cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.

Phát huy thế mạnh trong đào tạo nhân lực chất lượng cao

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng có những thế mạnh thể hiện rõ là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đó là, dần hoàn thiện mô hình, cơ chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng, hai cấp phát huy những lợi thế từ sử dụng chung nguồn lực, cộng hưởng nên sức mạnh hệ thống. Xây dựng được tiềm lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học mạnh với hơn 2.500 cán bộ, giảng viên; trong đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 45% (bình quân chung của cả nước 30%, Trường Đại học Bách khoa đạt 73%). Mỗi năm Đại học Đà Nẵng có thêm 60-100 tân tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phần lớn trong độ tuổi còn trẻ, năng động, giàu sức sáng tạo, phát huy truyền thống và khối đoàn kết, thống nhất. Đại học Đà Nẵng  có quy mô đào tạo lớn, chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc gia, quốc tế. Hiện có khoảng 55.000 sinh viên, học viên chính quy, 600-800 lưu học sinh; tiên phong mở các chương trình đào tạo chất lượng cao Việt-Pháp PFIEV từ năm 1999; đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm 2006; triển khai nhiều phương pháp dạy-học tích cực (học theo dự án, học từ trải nghiệm thực tế, học kỳ doanh nghiệp…).

Đối với vùng Bắc Trung bộ - Duyên hải Trung bộ, Đại học Đà Nẵng đã đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư như: Công nghệ dầu và khí (Khu Kinh tế Dung Quất, Nhà máy Lọc hóa Dầu Bình Sơn); Điện lực (Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung); Công nghệ ô-tô (Tập đoàn THACO Trường Hải - Chu Lai) hay Giao thông, Ngân hàng, Du lịch... Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng có truyền thống và mạng lưới hợp tác quốc tế sâu rộng; cơ sở vật chất được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, theo hướng hiện đại. Cụ thể, quan hệ hợp tác với hơn 200 tổ chức, trường đại học, doanh nghiệp (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Asean…); thành viên của nhiều tổ chức khoa học giáo dục uy tín (AUF, ASEA-UNINET, AUN, SEAMEO…); chủ trì, tham gia nhiều dự án quốc tế (Eramus+, USAID, MONTUS, HARMONY…); có kinh nghiệm 20 năm đào tạo lưu học sinh Lào.

Đặc biệt, Đại học Đà Nẵng được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm, ủng hộ đầu tư dự án Xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2016-2020 để giải phóng mặt bằng), vốn ODA (ký hiệp định vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới cùng hai ĐH Quốc gia) và là 1 trong 3 đại học hàng đầu Việt Nam được USAID và các đối tác Hoa Kỳ tài trợ “Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH” (Dự án PHER, giai đoạn 2022-2026)…

Nhờ lợi thế được đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược “Trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á”, hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, Đại học Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để thu hút, quy tụ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học, chuyên gia và học sinh giỏi khắp mọi miền về nghiên cứu, học tập, đóng góp cho sự phát triển của vùng Bắc Trung bộ - Duyên hải Trung bộ và cả nước. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, xây dựng Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia không phải là để thay đổi danh xưng mà là nhằm đổi mới căn bản, kiến tạo cơ chế, chính sách, thiết lập mô hình quản trị đại học mới với tính tự chủ cao, được đầu tư nguồn lực thích hợp; là hạt nhân quy tụ các cơ sở giáo dục đại học khác trong vùng thành một “cluster” đại học mạnh, bảo đảm tính chủ động trong cung cấp nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong mối tương quan với các trục kinh tế lớn ở hai đầu đất nước.

Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thiện Khu đô thị Đại học Đà Nẵng
Tiếp tục mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Phối hợp có hiệu quả giữa cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác. Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thiện Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia.
(Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.