Giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học cho học sinh

.

Các giáo viên ở 72 trường có khối lớp thuộc cấp THCS trên địa bàn vừa được tập huấn để nâng cao năng lực tổ chức dạy học lồng ghép, tích hợp kiến thức về thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học ở địa phương và thành phố vào các môn học khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương.

Các bên liên quan hợp tác phát triển trang thông tin điện tử Thiên nhiên Đà Nẵng  (http://thiennhiendanang.vn) phục vụ giáo dục bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các bên liên quan hợp tác phát triển trang thông tin điện tử Thiên nhiên Đà Nẵng (http://thiennhiendanang.vn) phục vụ giáo dục bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đầu tháng 10-2024, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức dạy học lồng ghép kiến thức đa dạng sinh học địa phương trong môn khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương cho giáo viên khối lớp 6, 8 ở 72 trường có cấp THCS (trường công cập, tư thục, nhiều cấp học).

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại Đà Nẵng thông qua giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng” do tổ chức Synchronicity Earth (Vương quốc Anh), được UBND thành phố thống nhất tiếp nhận dự án theo Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 15-6-2024. Các giáo viên được các nhà khoa học, chuyên gia cung cấp kiến thức về thiên nhiên, đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng; được hướng dẫn khai thác nguồn tư liệu từ trang thông tin điện tử Thiên nhiên Đà Nẵng (https://thiennhiendanang.vn/) để phục vụ việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh; lồng ghép kiến thức thiên nhiên, đa dạng sinh học ở địa phương vào môn khoa học tự nhiên các lớp 6 và 8, nội dung hoạt động giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp...

Các giáo viên còn được hướng dẫn phát triển kỹ năng tổ chức lớp học trải nghiệm thực tế về thiên nhiên, đa dạng sinh học có số lượng lớn học sinh, nhất là triển khai học tập, trải nghiệm thiên nhiên và đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà.

Thạc sĩ Hàn Thị Thanh Huyền, công tác tại Phòng Giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, trong chương trình giáo dục ở các trường THCS trên địa bàn thành phố, môn khoa học tự nhiên có 140 tiết/năm học, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp có 105 tiết/năm học và giáo dục địa phương có 35 tiết/năm học. 3 môn học và hoạt động giáo dục này có liên quan đến giáo dục thiên nhiên, đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng. Chương trình giáo dục cũ nặng về kiến thức, sách vở, còn chương trình giáo dục mới thiên về thực tế và học gắn liền với thực tế. Với việc tích hợp các kiến thức và hình ảnh trực quan sinh động cũng như trải nghiệm thực tế về thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học, nhằm hướng đến đạt các mục tiêu giáo dục.

Một trong những công cụ để hỗ trợ cho các giáo viên xây dựng kế hoạch bài giảng và tổ chức hoạt động giáo dục thiên nhiên, đa dạng sinh học là trang thông tin điện tử Thiên nhiên Đà Nẵng (https://thiennhiendanang.vn/) với hơn 3.000 tư liệu ảnh, video, tài liệu... về thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng, được chia thành 6 nhóm nội dung về bán đảo Sơn Trà, loài voọc chà vá chân nâu, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, rừng đặc dụng Nam Hải Vân, hệ sinh thái biển Đà Nẵng và hệ sinh thái ao, hồ, sông ngòi. Trang thông tin điện tử này cũng rất hữu ích đối với hoạt động học tập, nghiên cứu, tìm hiểu... của học sinh, sinh viên và cộng đồng.

Hiện Trung tâm học liệu và công nghệ thông tin của Trường Đại học Sư phạm ( Đại học Đà Nẵng) và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) đang hợp tác phát triển trang thông tin điện tử Thiên nhiên Đà Nẵng nhằm tăng cường tư liệu giáo dục về đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng và cung cấp thông tin về các loài động vật, thực vật, hệ sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên; phát triển nền tảng công nghệ số hỗ trợ giáo dục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua việc tích hợp học liệu trực tuyến, tư liệu giáo dục và các công cụ truyền thông; hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục bảo tồn thiên nhiên cho học sinh, sinh viên và cộng đồng địa phương thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo và các hoạt động ngoại khóa...

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tịnh, cán bộ Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt), việc tích hợp kiến thức về thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố vào chương trình dạy học ở cấp THCS trong các trường cùng các hoạt động giáo dục, trải nghiệm thực tế sẽ lan tỏa tình yêu thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học trong học sinh. Từ đó, bồi đắp, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh và thế hệ công dân trẻ tiếp nối các công việc bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.