Tuyển sinh lớp 10 công lập: Tìm giải pháp phù hợp khi triển khai bốc thăm môn thi thứ 3

.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT. Trong đó, nội dung bốc thăm để chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được dư luận đặc biệt quan tâm.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập những năm gần đây khá áp lực với học sinh và phụ huynh.  Trong ảnh: Học sinh Đà Nẵng tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Ảnh: NGỌC HÀ
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập những năm gần đây khá áp lực với học sinh và phụ huynh. TRONG ẢNH: Học sinh Đà Nẵng tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Ảnh: NGỌC HÀ

Phụ huynh, nhà trường lo lắng

Chị Phạm Minh Châu (có con đang học tại Trường THCS Lê Lợi, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, nội dung bốc thăm để chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trở thành đề tài trao đổi của nhiều phụ huynh có con đang học bậc THCS. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm gần đây khá căng thẳng khi chỉ tiêu vào các trường THPT công lập khoảng 65-70% tổng thí sinh dự thi.

“Nếu phương án bốc thăm để chọn môn thi thứ 3 được áp dụng thì càng tăng áp lực cho học sinh, bởi thay vì thi 3 môn, học sinh phải thi 4 - 5 môn; khối lượng kiến thức các con phải học, ôn tập quá nhiều”, chị Châu lo lắng.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Thu (có con đang học Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu) cho rằng, mỗi học sinh có thế mạnh riêng ở từng môn học, rất hiếm học sinh nào học tốt toàn diện. Do đó, môn thi thứ 3 nên là môn tự chọn từ các môn học khác (ngoài môn Toán, Ngữ văn) thì sẽ hợp lý hơn. Mong các ngành chức năng có giải pháp phù hợp, không nên tạo áp lực quá lớn cho học sinh tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Theo lãnh đạo một số trường THCS, việc Bộ GD&ĐT đưa ra bốc thăm chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là cách làm phù hợp với cách đánh giá học sinh cấp THCS theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT  quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT của Bộ GD&ĐT (không còn trung bình cộng các môn tính điểm). Đồng thời, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giáo dục toàn diện cho học sinh, tránh hiện tượng học lệch, học tủ; mỗi địa phương tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 theo một kiểu...

Bên cạnh mặt tích cực, các trường cũng đề cập đến những khó khăn nhất định khi áp dụng bốc thăm chọn môn thi thứ 3. Theo thầy Lê Anh Đồng, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà), đây không phải là kỳ thi tốt nghiệp THCS, không phải đánh giá lại quá trình học tập mà mục đích chính là tuyển sinh, với chỉ tiêu nhất định vào các trường THPT. Nếu bốc thăm là môn Khoa học tự nhiên hay môn Lịch sử - Địa lý thì học sinh phải học nhiều môn cùng lúc dẫn đến quá áp lực. Thứ hai, thời điểm mà Bộ GD&ĐT đưa ra là vào tháng 3 thì quá gấp rút khi kỳ thi diễn ra vào đầu tháng 6 hằng năm. Thời gian bốc thăm thích hợp là đầu năm học mới”, thầy Đồng nói.

Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) cho rằng, bốc thăm chọn môn thi thứ 3 gây khó khăn cho nhà trường, giáo viên, học sinh. Về phía nhà trường, khó khăn dễ thấy nhất là lúng túng trong công tác lựa chọn môn học để dạy bồi dưỡng tăng cường cho học sinh lớp 9 ôn thi lớp 10; phân công giáo viên dạy các chủ đề tích hợp của môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý...

Nếu bốc thăm trúng môn Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lý trong thời gian tháng 3 gần ngày thi khó cho giáo viên dạy ôn tập cho học sinh; đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên đề thi sẽ có phần nội dung tích hợp của cả 3 phân môn và môn Lịch sử và Địa lý của 2 phân môn. Nếu bốc thăm trúng môn Nghệ thuật (cả Âm nhạc và Mỹ thuật) thì hình thức thi sẽ như thế nào.

Về phía học sinh, nếu môn thứ 3 là Khoa học tự nhiên thi cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc môn Lịch sử - Địa lý thi cả 2 phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý thì lượng kiến thức rất nhiều, trong thời gian ngắn học sinh phải học kỹ, sâu kiến thức gây áp lực cho học sinh. Một số em không có năng khiếu thì cũng lo lắng khi bốc thăm trúng môn Nghệ thuật (cả Âm nhạc và Mỹ thuật) vì ít có em nào có cả 2 năng khiếu vừa hát hay vừa vẽ đẹp.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập những năm gần đây khá áp lực với học sinh và phụ huynh. Trong ảnh: Học sinh Đà Nẵng tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025.  Ảnh: NGỌC HÀ
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập những năm gần đây khá áp lực với học sinh và phụ huynh. TRONG ẢNH: Học sinh Đà Nẵng tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Ảnh: NGỌC HÀ

Nên giao địa phương quyết định môn thứ 3

Theo Sở GD&ĐT, thực hiện Công văn số 5718/BGDĐT-GDTrH ngày 25-9-2024 của Bộ GD&ĐT về việc góp ý một số quy định dự kiến sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT (thay thế Thông tư số 11/2014/TT BGDĐT), sở đã ban hành Công văn số 2859/SGDĐT-GDTrH&GDTX ngày 26-9-2024 yêu cầu các đơn vị, trường học góp ý về phương thức tuyển sinh THPT và về tổ chức thi tuyển.

Có 82 trường THCS, THPT, trường trực thuộc Sở GD&ĐT tham gia góp ý. Trong đó, các trường không đồng ý với việc tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên 1 môn còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông mà nên cân nhắc chọn 1 môn thi còn lại trong số 2 môn Ngoại ngữ hoặc Lịch sử (hoặc chỉ bốc thăm một trong 2 môn này) vì môn Lịch sử là một trong số các môn học bắt buộc hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; khuyến khích học sinh nâng cao năng lực ngoại ngữ, học sinh chủ động hơn, tâm lý phụ huynh, học sinh an tâm hơn; đồng thời thời gian tổ chức bốc thăm sớm hơn so với dự kiến của Bộ GD&ĐT (31-3 hằng năm), có thể cuối kỳ 1 theo khung thời gian năm học của Bộ GD&ĐT.

Ông Phạm Tấn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đối với phương thức thi tuyển, sở đề xuất thí sinh dự thi môn Toán, Ngữ văn là môn bắt buộc. Nếu có môn thứ 3 thì do sở quyết định và thông báo sớm trong tháng 9 đầu năm học. Lý do là, bên cạnh môn Toán, Ngữ văn, việc chọn 1 môn trong các môn của chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS để tổ chức bốc thăm là quá rộng, gây áp lực cho học sinh.

Bộ GD&ĐT cần giao quyền cho các địa phương trong việc lựa chọn môn thi phù hợp. Đồng thời, những môn lựa chọn phải là môn được đánh giá bằng điểm số, không phải bằng nhận xét như môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật… theo Thông tư số 22/2021/TTBGDĐT ngày 20-7-2021 về Quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT.

Sở cũng đề xuất bổ sung thêm phương án thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Thi tuyển môn Toán, Ngữ văn cộng với kết quả 4 năm học THCS để các địa phương tùy vào tình hình thực tế để chủ động trong công tác tuyển sinh. Đối với thời lượng dành cho các môn thi, sở đề xuất tăng thời lượng dành cho môn Toán từ 90 phút lên 120 phút. Lý do là kiến thức đề thi tuyển sinh cần bao quát hơn, vì vậy, Bộ GD&ĐT cần giao quyền chủ động cho các sở GD&ĐT trong việc xây dựng đề, cấu trúc đề thi và thời gian làm bài thi.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.