Từ những nguyên liệu rác hữu cơ như rau xanh, vỏ trái cây… nhóm sinh viên năm thứ 3 ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên thuộc Khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nghiên cứu, kết hợp nguyên liệu khác tạo ra loại dung dịch tẩy rửa lành tính, phục vụ các nhu cầu hằng ngày của cuộc sống.
Nhóm sinh viên mang sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu với công chúng. Ảnh: N.H |
Dự án Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật được thực hiện bởi nhóm sinh viên Trần Thị Quỳnh Như, Nguyễn Thị Thảo, Lê Võ Như Thùy, Trần Thị Kim Oanh, Nguyễn Thành Toàn. Đề tài hình thành từ năm 2019, ban đầu là ý tưởng của Trần Thị Quỳnh Như, mang đi tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học ở cấp THPT, nhưng khi đó dự án còn sơ khai, đơn giản.
Quỳnh Như cho biết, lên tới đại học, được tiếp cận thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về chuyên môn, cộng với nhận thấy thực tế hiện nay đa số người dân sử dụng các loại hóa chất để lau dọn nhà cửa, rửa chén bát, giặt quần áo… trong khi lượng rác hữu cơ như rau xanh, vỏ trái cây của mỗi gia đình thải ra hằng ngày nhiều, nếu để lâu sẽ gây ra mùi hôi, ô nhiễm môi trường, nên Quỳnh Như rủ các bạn cùng nghiên cứu, phát triển dự án này.
Sinh viên Nguyễn Thị Thảo, thành viên của nhóm chia sẻ, để triển khai dự án trong thực tế, nhóm đã đọc rất nhiều tài liệu, nghiên cứu các phương pháp, tìm hiểu các loại nguyên liệu từ thiên nhiên giúp sản phẩm có thể tạo được bọt, độ sánh, quá trình lên men; công thức để hoàn thành đúng tiến độ và thời gian cho ra sản phẩm tốt nhất. Một trong những lợi thế của nhóm là các thành viên đều là sinh viên Khoa Hóa, nên các bạn ứng dụng kiến thức đã được học vào thực tế. Nhóm dùng mật mía làm nguyên liệu lên men, sử dụng quả bồ hòn làm chất tạo bọt tự nhiên và làm sạch; dùng vỏ chanh, vỏ bưởi, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế để tạo mùi hương…
Sản phẩm được tạo ra theo quy trình: thu gom nguyên liệu, rửa sạch, lên men, lọc lấy sản phẩm, có thể làm sạch các chất bẩn bám trên đồ bằng sứ, thủy tinh, nhựa, gạch men, các chất cặn bẩn lâu ngày trên ống thoát nước. “Trong quá trình thực hiện nhóm làm đi làm lại nhiều lần để tạo được lớp enzyme mong muốn. Quá trình này cần phải làm kỹ để tránh các vi khuẩn xâm nhập vào, làm hỏng thành phẩm. Đây có thể xem là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình thực hiện”, Thảo cho hay.
Trong quá trình nghiên cứu sản phẩm, tiêu chí đầu tiên nhóm nghiên cứu hướng đến là ứng dụng thực tiễn của sản phẩm tạo ra được dùng trong đời sống hằng ngày. Nhóm mong muốn tạo ra các loại dung dịch tẩy rửa lành tính, phục vụ các nhu cầu của người tiêu dùng như rửa chén, lau nhà, lau bếp, thông cống… Sau khi sản phẩm hoàn thiện, nhóm đã mang đi kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 và đạt yêu cầu, có thể sử dụng hằng ngày.
Theo Nguyễn Thị Thảo, ngoài thời gian học tập trên trường, việc tham gia nghiên cứu, phát triển các dự án đã giúp em và các bạn có thêm nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng tìm kiếm thông tin, áp dụng kiến thức đã học, phát triển khả năng tự nghiên cứu cũng như tạo được sự tự tin khi báo cáo sản phẩm đến mọi người. Đây chính là bước đệm, giúp Thảo và các bạn có thêm nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Dự án “Sản xuất dung dịch enzyme từ phế phẩm thực vật” của 5 sinh viên đoạt giải Ba cuộc thi “Dự án khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn” cấp thành phố năm 2024 do Thành đoàn tổ chức; giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo - khởi nghiệp phục vụ cộng đồng” cấp trường năm 2024; giải Khuyến khích cuộc thi “Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên” lần thứ VIII năm 2024 do Đoàn thanh niên - Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng tổ chức...
Trong chiến dịch Mùa hè xanh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm, nhóm sinh viên sản xuất 160 chai dung dịch tẩy rửa đa năng từ enzyme tặng người dân xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, nhóm chuyển giao công nghệ và hướng dẫn bà con cách tự sản xuất ra sản phẩm. Ngoài ra, nhóm cũng tặng dung dịch tẩy rửa đa năng enzyme thiên nhiên cho một số người dân địa phương trải nghiệm và được đánh giá khá cao vì làm sạch tốt, không gây hại da tay.
THU HÀ